Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dịp cao điểm cuối năm

Thứ 3, 05.10.2021 | 08:42:06
1,295 lượt xem

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã có tiếng nói chung về việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vốn dự báo tăng cao, việc làm thế nào để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa nguồn vốn ra nền kinh tế đang là vấn đề được các ngân hàng hướng đến.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng SHB.

Tại các tổ chức tín dụng (TCTD), thanh khoản đang rất dồi dào, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới room tín dụng, mặt bằng lãi suất ở mức rất thấp… Ðiều này cũng đồng nghĩa dòng vốn rẻ đã sẵn sàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm, nhưng để đến được với DN còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tám tháng đầu năm, đã có hơn 85 nghìn DN rút khỏi thị trường, tăng hơn 24% so cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài. Ðáng chú ý, trong bốn tháng qua, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, nhiều đơn hàng bị mất,…

Ðối với các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có 15 đến 20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được "3 tại chỗ", còn lại 80 đến 85% số nhà máy phải ngừng sản xuất. Các con số này cho thấy mức độ khó khăn của DN là rất lớn. Sức khỏe tài chính là vấn đề DN đặc biệt quan tâm lúc này.

Theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh, tăng trưởng tín dụng tháng 8 đã ghi nhận xu hướng chậm lại và tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 9 do tác động của dịch bệnh và các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm. Thực tế các con số về tăng trưởng tín dụng cũng minh chứng cho điều này. Cụ thể, theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 31/8 là 7,42%, tương đương dư nợ toàn hệ thống đạt hơn 9,87 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu về hoạt động ngân hàng ba quý đầu năm của Tổng cục Thống kê mới công bố ghi nhận đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống ngân hàng tăng 4,95% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 7,58%; tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7,17%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2020, nhưng so với tháng 8, chỉ số này đã giảm 0,25 điểm phần trăm.

Công ty Chứng khoán BSC đưa ra nhận định, với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, khả năng từ tháng 10, các địa phương phía nam sẽ nới lỏng điều kiện giãn cách xã hội và cho phép các DN hoạt động trở lại nhiều hơn. Khi đó, nhu cầu vốn lưu động để phục vụ đơn hàng cuối năm sẽ tăng trở lại ở nhiều ngành nghề. Hiện nay các DN nhỏ và vừa, công ty bán lẻ là khối DN thu hút khoảng 70 đến 80% tín dụng của các NHTM. Mặc dù nhu cầu vay vốn của nhóm này thời gian qua có sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn là động lực để các TCTD triển khai các sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất trong các tháng cuối năm. Cũng theo dự báo của BSC, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2021 sẽ đạt mức 13%. Trong khi đó, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống TCTD khoảng 120 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 và 40 nghìn tỷ đồng trong tháng 8 thông qua các hợp đồng mua bán ngoại tệ. Ðiều này khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố. "Việc thanh khoản dồi dào hơn sẽ là cơ sở để các NHTM tiếp tục tiến hành các chương trình ưu đãi lãi vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, đặc biệt là các tỉnh, thành phía nam" - VCBS nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dịp cao điểm cuối năm -0

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh LienVietPostBank.

Thực tế, nhằm đón "mùa" cao điểm kinh doanh cuối năm, thời gian qua các NHTM đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ DN trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ðơn cử, MSB cam kết sẽ giảm lãi suất tới 3%/năm đối với khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dành 12 nghìn tỷ đồng từ nay đến cuối năm để cho vay các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, y tế và xây lắp với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5,5%/năm (với VND) và 3%/năm (với USD). Hay như ABBANK áp dụng chương trình "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, vay mua nhà, mua xe ô-tô, xây sửa nhà cửa, vay tiêu dùng... Khách hàng có thể lựa chọn hai hình thức vay kèm các điều kiện khác nhau như gói ưu đãi 1 áp dụng mức lãi suất chỉ từ 7,6%/năm cho 6 tháng đầu, 8,6%/năm cho 6 tháng tiếp theo. Hoặc gói ưu đãi 2 có lãi suất 7,99%/năm trong 12 tháng đầu. ABBANK sẽ dành 3.500 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi này, kéo dài đến hết năm 2021…

Cần thêm "đòn bẩy" chính sách

"Nền kinh tế của Việt Nam đang chậm lại, muốn lấy lại đà tăng trưởng nhanh thì cần phải đẩy thêm tiền, cụ thể là tín dụng. Nhưng Chính phủ Việt Nam nên có sự điều phối hài hòa nếu không muốn để lại những hậu quả nghiêm trọng" - đó là dự báo về tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới của Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries. Hiện các NHTM cũng bắt đầu cho DN vay mới. Tuy nhiên trên thực tế, tín dụng đang tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng vẫn thận trọng khi cho vay. Bởi lẽ, do dịch bệnh Covid-19, khả năng trả nợ của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngân hàng sẽ khó khăn hơn khi đưa ra quyết định. "Nhiều ngân hàng đã có tiếng nói chung về việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Nhưng thực tế, hạ lãi suất là một chuyện và chuyện "bơm" được vốn cho DN hay không, lại là chuyện khác. Muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho DN vay nhưng DN không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay. Ðể giải quyết bài toán này, có thể áp dụng chương trình bảo lãnh tín dụng. Cụ thể, Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng (bảo đảm rủi ro) để cho phép ngân hàng cho một số DN đạt yêu cầu vay" - ông Andrew Jeffries gợi ý.

Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn, các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí đã giúp nhiều DN giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, phải đến giữa năm 2022, các DN mới phần nào khôi phục được sản xuất, kinh doanh. Do đó, bên cạnh việc kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ như gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất,… cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. "Gánh nặng tài chính vẫn treo lơ lửng, cho nên DN mong mỏi nhiều chính sách hỗ trợ "tiền tươi thóc thật", thực chất hơn" - ông Ðậu Anh Tuấn cho biết.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, TS Nguyễn Quốc Hùng cũng chia sẻ: Các TCTD cũng là DN, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song ảnh hưởng của ngân hàng có độ trễ, qua thời gian mới thấy rõ. Nhưng ngân hàng vẫn đang hỗ trợ rất nhiều cho các DN khác. Chính sách và nguồn lực là hai thuận lợi chính để hệ thống ngân hàng vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ khách hàng, thêm vào đó ngân hàng luôn xác định mối quan hệ DN - ngân hàng là cộng sinh, cùng chia sẻ bằng tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, dư địa hỗ trợ DN của các TCTD gần như cạn kiệt nên để ngân hàng tiếp tục hỗ trợ DN cần có cơ chế, chính sách mới, vượt thẩm quyền của NHNN. "NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cần vào cuộc, đối thoại với DN, từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Chính sách tài khóa phải vào cuộc, đẩy mạnh bảo lãnh để DN có khả năng tiếp cận
vốn vay", ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.


Hồng Anh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/kinhte/ho-tro-doanh-nghiep-tiep-can-nguon-von-dip-cao-diem-cuoi-nam-667969/

  • Từ khóa