Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh ở Học viện Kỹ thuật Quân sự

Thứ 4, 06.10.2021 | 08:38:12
1,119 lượt xem

Chú trọng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm thúc đẩy chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH), năng lực, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần phát triển học viện thành trường đại học nghiên cứu là bước đi đột phá được Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

Khẳng định hiệu quả các nhóm nghiên cứu mạnh

Cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 đã được lắp đặt, vận hành tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (Phủ Lý, Hà Nam). Mới đây, hệ thống này được đưa vào vận hành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang và Bệnh viện truyền nhiễm dã chiến số 7 ở TP Hồ Chí Minh để thay thế nhân viên y tế phục vụ trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là đề tài NCKH cấp Nhà nước của nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Khoa Hàng không vũ trụ (Học viện KTQS) thực hiện.

Đại tá, PGS, TS Tăng Quốc Nam, Chủ nhiệm Khoa Hàng không vũ trụ, Chủ nhiệm đề tài giới thiệu: “Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 được thiết kế theo triết lý một nền tảng đa mục đích (One Platform-Multi Purpose) cho phép robot thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài vào khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh; vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài khu vực cách ly. Ngoài chức năng vận chuyển, robot còn có khả năng hỗ trợ giao tiếp từ xa, truyền, nhận thông tin về trung tâm giám sát, điều khiển, cùng nhiều tính năng ưu việt khác. Trên nền tảng này có thể phát triển thành các robot quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”.

Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh ở Học viện Kỹ thuật Quân sự
Nhóm nghiên cứu mạnh “Kỹ thuật quang học, quang điện tử và laser” nghiên cứu tại phòng thí nghiệm khí tài quang học.

Không chỉ có đề tài nghiên cứu nổi bật trên, thời gian qua, các nhóm nghiên cứu mạnh ở Học viện KTQS đã chủ trì thực hiện thành công 6 đề tài cấp nhà nước, 6 đề tài cấp bộ, hàng trăm công bố khoa học, trong đó có nhiều công bố quốc tế (chiếm hơn 30% tổng số công bố quốc tế của toàn học viện), góp phần tích cực vào nâng cao công tác giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học.

Thiếu tướng, GS, TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lạc Hồng, Phó giám đốc Học viện KTQS cho biết: “Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và trên thế giới, học viện đã ban hành quy định và quyết định công nhận 18 nhóm nghiên cứu mạnh thuộc hai lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nhiệm vụ của các nhóm này là thực hiện những nghiên cứu nền, nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm thuần túy hoặc định hướng ứng dụng; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm trang bị trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội”.

Xác định hướng đi cơ bản, lâu dài

Hiện nay, 18 nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện KTQS đã được công nhận, sắp xếp phù hợp với thế mạnh ở từng lĩnh vực, từng ngành. Các trưởng nhóm là những cán bộ, chuyên gia có uy tín trong giới khoa học, hầu hết có học hàm GS, PGS, có khả năng tập hợp các nhà khoa học trong nước và quốc tế, với định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển của nhóm. Các thành viên của nhóm cũng là những người có kinh nghiệm với nhiều dự án, đề tài được ứng dụng trong thực tiễn.

Đại tá, PGS, TS Lê Hoàng Hải, Chủ nhiệm Bộ môn Khí tài quang học, Trưởng nhóm “Kỹ thuật quang học, quang điện tử và laser”, cho biết: “Hướng nghiên cứu của nhóm là thiết kế, chế tạo khí tài quang điện tử ứng dụng trong lĩnh vực quân sự và công nghiệp; nghiên cứu các công nghệ nền phục vụ chế tạo khí tài quang điện tử; phát triển kỹ thuật và thiết bị đo kiểm quang học hiện đại... Thời gian qua, nhóm đã nghiên cứu một số sản phẩm chính như: Kính ngắm ngày, đêm cho vũ khí (súng B41, xe tăng PT76); camera ảnh nhiệt; các hệ thống màng mỏng quang học; thiết bị đo kiểm thông số và chất lượng khí tài quang học...”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Học viện KTQS đã đề ra lộ trình xây dựng và phát triển các hướng nghiên cứu mũi nhọn và liên ngành, tập trung vào những hướng nghiên cứu mà học viện có thế mạnh, các lĩnh vực hiện đại hóa và các lĩnh vực đặc thù của quân đội; đồng thời mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ gắn liền với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Khuyến khích, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh chủ động tìm kiếm, kết nối, liên kết, hợp tác, khai thác kinh phí nghiên cứu của các quỹ, đơn vị, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; mở mới các đề tài, dự án với các đối tác nước ngoài. Đồng thời tạo cơ chế thu hút các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, cán bộ có trình độ chuyên môn cao tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh; đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Phấn đấu đến năm 2025, học viện có 20 nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có 5-6 nhóm đạt trình độ quốc gia; 1-2 nhóm đạt trình độ khu vực và quốc tế.


Bài và ảnh: SƠN BÌNH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-trien-cac-nhom-nghien-cuu-manh-o-hoc-vien-ky-thuat-quan-su-673270

  • Từ khóa