Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói về người Việt Nam từ chối Nobel hòa bình

Thứ 6, 08.10.2021 | 16:57:29
498 lượt xem

Năm 1973, Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel hòa bình cho ông Lê Đức Thọ nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.

Chiều 7/10, Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nam Định phối hợp tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tuyến hai điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) và Tỉnh ủy Nam Định.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà cách mạng Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói về người Việt Nam từ chối Nobel hòa bình - 1

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

Trong phát biểu chỉ đạo và đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã điểm lại cuộc đời cách mạng sôi nổi của đồng chí Lê Đức Thọ từ vai trò người đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đến nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, cách mạng Việt Nam. 

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh 79 năm tuổi đời, 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, ông Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Trọn cuộc đời, đồng chí luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không ngừng học tập, rèn luyện, trung thành tuyệt đối với lý tưởng và con đường cách mạng đã chọn; nêu cao khí tiết của người cộng sản, không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, nêu gương sáng về đức hy sinh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đồng chí là người đã thấm nhuần và thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ông được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi. Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông tỏ rõ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, giàu tài năng ở nhiều mặt, đặc biệt là trên các lĩnh vực, chính trị, quân sự, ngoại giao... Đồng chí mất ngày 13/10/1990, tại Hà Nội.

Hơn 40 tham luận và bài viết của lãnh đạo Đảng, các ban, bộ ngành, tỉnh Nam Định và các nhà khoa học tại hội thảo tiếp tục làm rõ, khẳng định những cống hiến to lớn của ông Lê Đức Thọ đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó đậm nét hơn cả là những đóng góp của đồng chí trên mặt trận ngoại giao và công tác tổ chức cán bộ, xây dựng Đảng. Qua đó làm nổi bật hình ảnh ông Lê Đức Thọ là một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, có nhiều cống hiến to lớn đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nam Định; phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đã nêu bật những đóng góp của ông Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Theo đó, ông Lê Đức Thọ luôn quan tâm gây dựng tổ chức cơ sở đảng ngay từ giai đoạn Đảng mới ra đời cho đến các cao trào cách mạng, đấu tranh giải phóng, thống nhất và xây dựng, đổi mới đất nước. Ông Lê Đức Thọ coi đây là hạt nhân chính trị ở cơ sở, gắn với nâng cao chất lượng đảng viên.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), ông được phân công làm Phó ban đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Giữa năm 1977 đến tháng 1/1979, ông được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt. Năm 1980, ông được cử làm Bí thư Thường trực và phụ trách công tác tổ chức; tháng 10/1980 kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói về người Việt Nam từ chối Nobel hòa bình - 2

Quang cảnh Hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ.

Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982), ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1983, ông được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng. Năm 1986, ông làm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng và tại Đại hội (tháng 12/1986), ông được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Là người gắn bó sâu sắc, thời gian dài, ông Lê Đức Thọ đã có những công lao to lớn đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Nhiều năm đảm nhiệm các cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Ban Bí thư, phụ trách công tác tổ chức, ông Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), lần thứ IV (1976), lần thứ V (1986).

Ông đã góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền; củng cố, thống nhất hệ thống tổ chức và tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; phát triển và bảo đảm chất lượng đội ngũ đảng viên, chuẩn bị và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp cho cả trước mắt và lâu dài...

Những hoạt động và đóng góp của ông Lê Đức Thọ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng hiện nay.

Còn tại tham luận có tiêu đề: "Đồng chí Lê Đức Thọ - nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã làm nổi bật phong cách ngoại giao đặc sắc cùng những đóng góp to lớn của ông Lê Đức Thọ vào thắng lợi vẻ vang mặt trận ngoại giao của Đảng và Nhà nước. 

Tên tuổi ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới với cuộc đàm phán kéo dài tới hơn 4 năm. Một cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đối thủ trên bàn đàm phán với ông Lê Đức Thọ tại Paris, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, Henry Kissinger, người được mệnh danh là "Giáo chủ của nền ngoại giao Mỹ" đã thừa nhận: "Nếu tôi có một chút hy vọng để lựa chọn, chắc chắn tôi sẽ chọn một người đối thoại dễ tính hơn Lê Đức Thọ". 

Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel hòa bình năm đó cho ông Lê Đức Thọ, giải Nobel duy nhất dành cho người Việt từ trước tới nay nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. 

Cũng tại hội thảo, trong tham luận có tiêu đề "Lê Đức Thọ với tầm nhìn vượt trước của nhà lãnh đạo tài năng", Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã cung cấp những thông tin, qua đó làm nổi bật vai trò của ông Lê Đức Thọ với tư cách là một trong những kiến trúc sư của ngành tình báo an ninh Việt Nam, khi trực tiếp tham gia chỉ đạo, tổ chức gây dựng mạng lưới tình báo, cài cắm vào bộ máy hành chính chính quyền Ngụy  Sài Gòn trước năm 1954. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, ngay từ tháng 2/1954 khi tình hình chiến tranh còn đang diễn ra và chưa rõ chuyển biến thế nào, ông Lê Đức Thọ đã nhận định rằng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của đất nước ta chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, Pháp có thể rút đi, nhưng khả năng Mỹ sẽ vào và nếu Mỹ thế chân Pháp, tình hình chiến tranh sẽ phức tạp, khốc liệt hơn nhiều. Chính vì vậy, bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước lực lượng, trong đó có lực lượng quan trọng là cài cắm được lực lượng tình báo vào phía địch. Ở thời điểm đó, chính ông Lê Đức Thọ là người đã vận động ông Phạm Xuân Ấn, khi đấy mới chỉ là một cán bộ thống kê đi ra vùng U Minh Thượng để kết nạp vào Đảng và giao nhiệm vụ cho ông Ẩn phải chui sâu, leo cao trong bộ máy hành chính của Ngụy quyền Sài Gòn. Và sau này, ông Phạm Xuân Ấn đã trở thành một trong những điệp viên quan trọng nhất, cung cấp những thông tin tình báo mang tính quyết định góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Bày tỏ niềm tự hào của quê hương ông Lê Đức Thọ, trong phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đã phân tích, làm rõ ảnh hưởng của truyền thống quê hương đối với nhà cách mạng Lê Đức Thọ, đồng thời nhấn mạnh hội thảo là dịp để ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến xuất sắc của ông Lê Đức Thọ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập và phát triển. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-truong-bo-ngoai-giao-noi-ve-nguoi-viet-nam-tu-choi-nobel-hoa-binh-20211008091831671.htm#dt_source=Cate_ChinhTri&dt_campaign=Top3&dt_medium=1

  • Từ khóa