Trạm dừng chân hầm Hải Vân - nơi chia sẻ yêu thương

Thứ 3, 12.10.2021 | 14:37:13
621 lượt xem

Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân các tỉnh, thành phố phía nam về quê qua địa phận thành phố, Đà Nẵng đã triển khai trạm dừng chân hầm Hải Vân để mọi người có điều kiện tạm nghỉ ngơi. Những câu lạc bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ đã không kể ngày đêm túc trực tại trạm để “tiếp sức” cho người dân.

Tình nguyện viên hướng dẫn người dân khi vừa vào trạm dừng chân.

Hơn 200 tình nguyện viên sẵn sàng

Vừa nhận thông báo có một đoàn người chạy xe máy đang chuẩn bị vào trạm, các tình nguyện viên chữ thập đỏ nhanh chóng kiểm tra lại đồ bảo hộ đã mặc đầy đủ, các bếp bật lên hâm nóng lại nồi nước lèo và súp, một số người tranh thủ chợp mắt sau đêm dài chập chờn cũng bật dậy để “đón” đoàn xe.

Tầm 30 chiếc xe vừa ghé vào trạm, các cán bộ điều phối dùng loa để thông báo cho người dân biết từng khu vực hỗ trợ để di chuyển tới. Ở đây chia làm các khu vực khác nhau, chỗ sửa xe, chỗ sơ cấp cứu y tế, nơi ăn uống nghỉ ngơi để hạn chế tiếp xúc gần giữa hai bên.

Mỗi ngày nấu 400 suất cơm, mì, bún, cháo, súp… khác nhau để hỗ trợ từng nhu cầu của người dân, Câu lạc bộ Bếp 0 đồng chữ thập đỏ đã đưa luôn bếp, xoong nồi, đồ dùng… nấu ngay tại chỗ để bảo đảm an toàn thực phẩm và đồ ăn được ấm nóng. Trạm cũng được chia các gian khác nhau để người ăn và người hỗ trợ không tiếp xúc quá gần.

Nghĩa tình nơi trạm dừng chân -0 

Tất cả đều được hỗ trợ những bữa ăn miễn phí.

Mỗi ngày có từ 10 đến 12 người có mặt tại trạm để hỗ trợ nấu nướng, phục vụ… Chủ nhiệm Bếp 0 đồng Nguyễn Quế Chi cho biết: “Bếp cũng thay đổi thực đơn mỗi ngày để mọi người ăn uống phù hợp. Các thành viên sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ cho bà con và bảo đảm an toàn cho bản thân”.

Gia đình chị Phạm Thị Hoài Thương chạy xe máy từ Lâm Đồng về tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần trưa, cả nhà vừa tới trạm dừng chân Hầm Hải Vân nên đã ghé vào để tạm nghỉ. Đang mang bầu đứa thứ ba được bảy tháng, hai vợ chồng làm thuê tại vườn ở Lâm Đồng nhưng do không có hàng, công việc giảm không đủ thu nhập, nên cả nhà quyết định chạy xe về quê nghỉ sinh.

Nới thêm miếng sắt để đủ chỗ cho cả nhà và bỏ được thêm chút hành lý, chuyến xe đã kéo dài một ngày rưỡi để tới đến Đà Nẵng. Tranh thủ để xe ở bên khu vực sửa chữa để các tình nguyện viên kiểm tra tình hình xăm lốp, thay nhớt, đổ thêm xăng… cả nhà cùng ăn những tô bún từ các tình nguyện viên chữ thập đỏ mang tới và nước uống.

Chị Hoài Thương chia sẻ: “Với thu nhập hiện tại, nếu ở lại gia đình sợ không đủ để trang trải cuộc sống và chăm sóc cháu thứ ba sắp sinh nên cả nhà quyết định chạy xe về. Chuyến xe kéo dài, một mình chồng chạy xe nên tôi cũng lo lắng lắm, may mắn có nhiều điểm đón tiếp, có chỗ cho mọi người nghỉ ngơi, ăn uống nên đường về dù xa nhưng vẫn cảm thấy rất thân thương”.

Sửa xe, nấu cơm miễn phí, tặng quà, đổ xăng, hỗ trợ xe 45 chỗ chở người ở xa về quê là một trong những hoạt động nhằm giúp đỡ người dân từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về quê hương qua địa phận Đà Nẵng. Chương trình do Mặt trận, Thành đoàn và Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cùng các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện phối hợp thực hiện.

Đã có hơn 200 tình nguyện đăng ký tham gia tại trạm cho đến khi hoạt động dừng. Mỗi ngày sẽ có khoảng 60 tình nguyện viên, chia làm 4 ca trực 24/24 giờ. Các tình nguyện viên thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch bệnh; xét nghiệm 3 ngày/lần; được tập huấn về kỹ năng và trang bị các dụng cụ bảo hộ y tế trong phòng, chống dịch Covid-19…

Nghĩa tình nơi trạm dừng chân -0 

Anh Quang sửa xe cho mọi người.

Mong ai cũng an toàn về tới quê nhà

Anh Trần Ngọc Quang (1981), thành viên Câu lạc bộ Tự nguyện (thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Hòa Vang) nhanh chóng đón lấy chiếc xe đã cũ từ một người đàn ông khá gầy để kiểm tra tình hình. Chiếc xe lỉnh kỉnh “gia tài” của một gia đình, chỉ là những túi đựng quần áo. Thay nhớt, kiểm tra phanh xe được anh Quang làm khá thuần thục. Hết xe này tới xe khác. Sửa xong thì để qua bên cạnh để các đoàn viên tiếp thêm xăng…

Anh Quang làm nghề thợ điện và đang tạm nghỉ việc nhiều tháng nay, trong thời gian đó, anh tham gia các hoạt động từ thiện hỗ trợ cùng câu lạc bộ như chạy xe 0 đồng đón, đưa người đi khám bệnh, xuất viện; chở hàng hóa, rau củ miễn phí giúp các khu dân cư; hỗ trợ nước, suất ăn cho đoàn xe về quê tại chốt xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, Quảng Nam)…

Mặc dù Đà Nẵng đã bắt đầu nới lỏng nhiều hoạt động và anh có thể đi làm lại, nhưng khi có thông báo thành lập trạm dừng chân tại đây, anh cùng các thành viên đã viết đơn đăng ký để lên làm tình nguyện viên.

Vẫy tay tiễn một đoàn rời đi, anh Quang bộc bạch: “Thường cách vài tiếng sẽ có một đoàn người về, nhất là buổi tối đến gần sáng nên anh em dường như thức xuyên đêm. Những lúc này bà con rất cần sự giúp đỡ của mọi người để có thể về quê an toàn, khỏe mạnh, nên mình lên đây làm được gì cho người dân thì làm”.

Tham gia Đội sơ cấp cứu Chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) hơn 10 năm nay từ sau khi về hưu, chú Lê Thanh Tùng vừa hướng dẫn người dân qua khu vực nghỉ ngơi, hỏi mỗi người có ai bị thương cần kiểm tra không, rồi sẵn sàng túi cứu thương trên người để sát khuẩn băng bó lại cho người dân. Lúc rảnh rỗi, chú lại phụ các thành viên khác bưng bê suất ăn, dọn dẹp sau khi đoàn đi…

Nghĩa tình nơi trạm dừng chân -0 

Tình nguyện viên chữ thập đỏ thông báo các chương trình hỗ trợ bà con.

“Cả đội sơ cấp cứu khoảng 10 người thay nhau trực trên này, chúng tôi được tập huấn, thực hành và làm thực tiễn cũng đã quen nên vẫn có thể giúp người dân. Ở đây, những đoàn chạy xe máy về không thể tránh khỏi những thương tích, té ngã, trầy xước do đường xa, mong rằng anh em chúng tôi có thể giúp những vết thương bớt đau hơn cho mỗi người”, chú Thanh Tùng tâm sự.

Đầu năm 2021, vợ chồng chị Thào Thị Oanh (1998) đưa nhau vào Đồng Nai để làm công nhân chăn nuôi vịt mong cuộc sống đỡ vất vả hơn nơi quê nhà. Chỉ vài tháng sau, dịch bùng phát, cả hai cũng không tránh khỏi những lo lắng nên đã quyết định chạy xe về lại Lào Cai. Chặng đường dài bốn ngày đêm làm chị mệt ngoài nên cả hai đã nghỉ chân và vui mừng vì được xe ô-tô 45 chỗ chở về: “Có lẽ chúng tôi sẽ ghi nhớ những tháng ngày này, dù cực nhọc nhưng trên chặng đường dài luôn có những tấm lòng của mỗi người chia sẻ với nhau”.

Mỗi ngày, hàng nghìn người dân đi qua địa phận Đà Nẵng là hàng nghìn những hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần hết lòng vì cộng đồng của lực lượng tình nguyện viên, thanh niên và các câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện Đà Nẵng chỉ với mong muốn chia sẻ yêu thương với tất cả hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.


THANH TÂM/nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhan-ai/tram-dung-chan-ham-hai-van-noi-chia-se-yeu-thuong-669044/

  • Từ khóa