Thị trường lao động đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức rất cao; đồng thời, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so quý trước và cùng kỳ.
Họp báo về lao động do Tổng cục Thống kê tổ chức.
Tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 12/10, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động Phạm Hoài Nam cho biết, đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã tác động nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động, việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
Cụ thể, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Trong quý III, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ đạt 49,1 triệu người, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, giảm 2,2 triệu người so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và nữ giới.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so quý trước và giảm 2,7 triệu người so cùng kỳ. Cụ thể, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673,1 nghìn người so quý trước và tăng 479 nghìn người so cùng kỳ; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952,5 nghìn người so quý trước và giảm 960,1 nghìn người so cùng kỳ; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người giảm sâu 2,3 triệu người so quý trước và cùng kỳ.
Giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong 2 ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây.
Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh, thành phố phía nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc, kể cả các công việc tạm thời trong giai đoạn này. Trong quý III, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so quý trước và giảm 657,0 nghìn người so cùng kỳ.
Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so quý trước và tăng 620 nghìn người so cùng kỳ.
“Tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước theo số liệu cập nhật mới nhất là 3,98%, tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường lệ. Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu long là 2 vùng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong quý III và cao hơn rất nhiều so mức chung của cả nước”, ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Lực lượng lao động các quý, năm 2020 và 2021
Đơn vị tính: Triệu người
Thu nhập của người lao động giảm mạnh
Song song với vấn đề thiếu việc làm, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III cũng giảm xuống 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so quý trước và giảm 603 nghìn đồng so cùng kỳ. Hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so quý trước.
Thu nhập của người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm một triệu đồng, tương ứng giảm 14,3%; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906 nghìn đồng, tương ứng giảm 13,5%.
Cũng theo số liệu cập nhật nhanh của Tổng cục Thống kê, ước tính có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời bỏ các thành phố lớn đề về quê tránh dịch từ tháng 7 đến nay. Đây không còn là nguy cơ mà là thực tế đang diễn ra, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lao động, cũng như quá trình nối lại sản xuất, phục hồi kinh tế ngay từ quý IV.
Để thu hút lao động đã hồi hương trở lại thành phố trong thời gian tới, quan trọng nhất là phải có chính sách mở cửa, phục hồi kinh tế đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không để mỗi nơi làm một kiểu.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh rõ ràng và chính sách đãi ngộ lao động đủ thu hút lao động trở lại; chính sách an sinh xã hội cũng phải được thực hiện hiệu quả hơn. Có như vậy, người lao động mới tin tưởng quay lại thành phố tiếp tục làm việc.
Tổng cục Thống kê đề xuất 3 khuyến nghị về chính sách lao động, việc làm trong thời gian tới. Đó là:
Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đầy lùi đại dịch Covid-19, nhất là tại các thành phố lớn, các địa phương có khu công nghiệp, đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vaccine.
Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ và thu hút lao động... nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, nhất là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế - xã hội và quý II, quý III năm 2020 và năm 2021
Đơn vị tính: Triệu đồng
TÔ HÀ/nhandan.vn