Huy động nguồn vốn nào để xây dựng đường cao tốc?

Chủ nhật, 07.11.2021 | 15:27:54
851 lượt xem

Ngày 7-11, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Đề cập đến hiệu quả của các tuyến đường cao tốc, trong đó có tuyến Nội Bài-Lào Cai, tuyến cao tốc dài nhất đang được khai thác hiện nay, ông Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đánh giá, tuyến cao tốc này là một bước đột phá của ngành giao thông vận tải, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội, tăng cường GDP cho các tỉnh Tây Bắc.

Riêng với tỉnh Lào Cai, từ khi có tuyến cao tốc kết nối đã giúp tăng trưởng vượt bậc của vận tải hàng hóa (tăng 21%), hành khách (tăng 15%). Khi lưu thông trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã rút ngắn 1/3 thời gian từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, tiết kiệm 30% chi phí vận tải, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Huy động nguồn vốn nào để xây dựng đường cao tốc?

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại tọa đàm.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Một trong những vấn đề được đặt ra là nguồn vốn nào để thực hiện các dự án đường cao tốc?

Ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc bố trí vốn vay thương mại trong nước cho các dự án đối tác công-tư (PPP) đang gặp một số khó khăn.

Bởi dự án lớn thì quy mô vốn lớn, ngân hàng sẽ phải thẩm định năng lực, uy tín của doanh nghiệp cũng như tính đến phương án trả nợ thì mới cho vay.

Đa số các nhà đầu tư theo PPP và hợp đồng BOT hiện nay là chuyển đổi từ nhà thầu sang, năng lực còn một số hạn chế, đầu tư một vài dự án có thể hết năng lực tài chính. Nguồn vốn vay chủ yếu dựa vào vốn của các ngân hàng thương mại trong nước mà chưa khơi thông kênh tài chính từ các tổ chức quốc tế hoặc từ những quỹ đầu tư quốc tế dẫn đến chi phí vốn rất cao.

Từ phía doanh nghiệp, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá, vốn đầu tư đường cao tốc rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là huy động ngắn hạn. Đây cũng là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện dự án khi gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực và các nguồn vốn mở của các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào đường cao tốc.

Huy động nguồn vốn nào để xây dựng đường cao tốc?
 Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sau khi đi vào vận hành đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VEC.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, qua kinh nghiệm, mô hình một số nước có thể thấy, nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho giao thông phải dành đa số, không thể trông chờ tư nhân đầu tư vào đường cao tốc.

Nhà nước phải chiếm đầu tư chính, khâu quan trọng nhất, cốt yếu nhất, như giải phóng mặt bằng, làm đường ở khu vực khó khăn, công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, phòng, chống thiên tai. Đồng thời, huy động sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp.

Muốn dự án PPP thực hiện được, GS, TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, Nhà nước phải có cam kết rõ ràng, chia sẻ rủi ro và tạo yếu tố hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, phải đa dạng nguồn vốn, không thể chỉ nhìn vào vay vốn ngân hàng, ví dụ cho phép nhà đầu tư phát hành trái phiếu, nếu lãi suất 6-7% trong 10 năm, 20 năm sẽ thu hút được.

MẠNH HƯNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/huy-dong-nguon-von-nao-de-xay-dung-duong-cao-toc-676698

  • Từ khóa