Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, hôm nay, 8-11, Quốc hội họp tập trung tại Hà Nội, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến nguyên tắc xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ kiên quyết để phát triển kinh tế – xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: Trọng Hải |
Rất cần có một loại vắc xin ngừa Covid-19 “make in Việt Nam”
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn dịch Covid-19.
Trong đó, đại biểu nhấn mạnh vấn đề vắc xin vẫn phải coi là trụ cột, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
“Trong bối cảnh số ca mắc đang có xu hướng tăng, biểu đồ dịch đang chuyển màu, nguy cơ của đợt dịch mới đang hiện hữu…thì chúng ta cần tính toán, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hơn nữa. Nhất là ở những địa phương đang bùng dịch mạnh thì cần tính toán bao phủ vắc xin càng sớm càng tốt”, đại biểu phân tích.
Đồng thời, đại biểu cũng nhắc đến việc cần dự liệu để tiêm mũi vắc xin thứ 3 và xúc tiến thuốc chữa Covid-19 cho nhân dân. Bởi theo đại biểu, vắc xin chỉ có hiệu quả trong thời gian nhất định mà virus thì biến đổi không ngừng.
“Đồng thời, rất cần có một loại vắc xin “make in Việt Nam” để tiêm ngừa cho người dân, đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng nhắc đến con số 100.000 tỷ đồng để chi cho chống dịch thời gian qua. Đại biểu nhấn mạnh đây là con số rất lớn mà ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch.
Do đó, đại biểu đề nghị cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, đặc biệt là triệt để tiết kiệm các khoản chi.
“Nếu hợp lý thì tăng sản lượng khai thác dầu thô do giá dầu thế giới đang tăng”, đại biểu kiến nghị và nhấn mạnh quan điểm: “Lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng”.
Cùng với đó, cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, người dân vào hoạt động kinh tế, triển khai ngay các hoạt động phục hồi tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất….nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ đơn hàng, không bị đứt gãy, thiếu hụt lao động, chuyên gia.
“Đồng thời, cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn, tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”, đại biểu nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH |
"Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa?"
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh thì dành toàn bộ thời gian nói về những bài học trong việc chống dịch.
Nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy vậy, theo đại biểu, cần có những phản ánh cho thấy rõ "sự hy sinh, mất mát quá nhiều, đặc biệt là hơn 20.000 ca tử vong thời gian qua" để rút kinh nghiệm.
Đại biểu cho rằng bên cạnh con số trên, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.
"Vừa qua, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh có kinh nghiệm thực tế, những gì chúng ta chưa làm được mới dẫn đến hậu quả như vậy. Đây là những bài học xương máu", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần xem lại hệ thống y tế cơ sở khi hiện nay, chỉ khoảng 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
“Chúng ta cần phải phân bổ hợp lý để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải dựa trên vấn đề về địa lý”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, việc nâng cao y tế dự phòng cơ sở không chỉ là vấn đề tiền mà còn là nhân lực. Bởi cần làm sao để thu hút được nhân lực chất lượng cao về đây. Bởi lẽ, nếu không giải quyết được các vấn đề căn cơ, chúng ta sẽ tiếp tục bị động.
Đề cập đến hệ thống điều trị, đại biểu cho rằng đây chính là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị. Ngành y tế thời gian qua tập trung chống dịch trong khi vẫn còn nhiều bệnh khác. Các bệnh viện lại chưa được chuẩn bị về cơ sở pháp lý, kiến thức cần thiết, vật tư y tế thuốc, cơ chế tài chính.
Cùng với đó, việc phân chia ngân sách nhà nước và bảo hiểm trong điều trị Covid-19 chưa rõ ràng nên các bệnh viện chưa rõ trong thanh toán. "Việc xét nghiệm nếu phân công rạch ròi cùng với cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua", đại biểu nêu quan điểm.
Hay tương tự với việc tiêm vắc xin, hiện Việt Nam chưa cho phép tiêm dịch vụ, nhưng đại biểu cho rằng "vắc xin dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp vào công tác này.”
"Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa? Thực sự ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, cũng có nhiều con người cùng hoạt động. Trong ngành y, để phục vụ người bệnh thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường phát triển y đức, chứ không phải lúc xảy ra chuyện rồi thì sử dụng biện pháp hành chính và các biện pháp hình sự”, đại biểu bày tỏ.
THẢO NGUYÊN/qdnd.vn