Liên kết quốc tế khó tuyển sinh hơn dự báo

Thứ 7, 13.11.2021 | 14:46:12
629 lượt xem

Được dự báo là thuận lợi trong tuyển sinh khi dịch bệnh phức tạp khiến người học chưa thể du học nước ngoài nhưng các chương trình liên kết quốc tế lại gặp khó ở "đầu vào"


Chương trình liên kết quốc tế được cho là giảm chi phí học tập khi mức học phí, sinh hoạt phí thấp hơn so với học tại nước ngoài. Ngoài ra, với chương trình đào tạo 2 giai đoạn thì giai đoạn 1 được xem là làm quen với cách thức học tập, văn hóa nước ngoài… trước khi rời xa gia đình ra nước ngoài học tập.

Xu hướng tất yếu

Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) có 27 chương trình liên kết quốc tế bậc ĐH với các ĐH tại Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Phần Lan. TS Huỳnh Khả Tú, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Quốc tế, cho biết tình hình tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế tại trường khá ổn. Cụ thể năm 2019 tuyển được gần 500 sinh viên, năm 2020 gần 400 em, năm 2021 tăng lên gần 600 em.

Liên kết quốc tế khó tuyển sinh hơn dự báo - Ảnh 1.

Sinh viên chương trình liên kết quốc tế tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) trong giờ thực hành

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế có thể chọn hình thức đào tạo 2+2, 3+1 hoặc 4+0. Với việc đa dạng hóa hình thức đào tạo liên kết, người học có thể được xem xét chuyển đổi các hình thức lẫn nhau đối với cùng một ngành đào tạo liên kết. Trong giai đoạn học tại Trường ĐH Quốc tế, sinh viên sẽ đóng học phí, được hưởng các chính sách học bổng và điều kiện học tập theo quy định của trường. Trong giai đoạn học tại trường đối tác, sinh viên sẽ đóng học phí theo quy định của trường đối tác. Mức học phí tại các trường đối tác sẽ tùy thuộc vào từng ngành, từng trường.

GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết nếu sinh viên du học hoàn toàn tại nước ngoài sẽ phải chi trả mức chi phí cao gồm học phí, chi phí sinh hoạt nhưng học chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam, mức học phí, chi phí sinh hoạt sẽ giảm mà sinh viên vẫn nhận được bằng cấp do trường nước ngoài cấp. Tùy chương trình, sinh viên có thể chọn học toàn phần tại Việt Nam hoặc học 2 giai đoạn (giai đoạn 1 tại Việt Nam, giai đoạn 2 tại trường nước ngoài). Chương trình liên kết quốc tế mang lại nhiều lựa chọn cho người học, lấy bằng nước ngoài nhưng không nhất thiết phải ra nước ngoài.

ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục. Liên kết đào tạo quốc tế đem lại thêm lựa chọn giáo dục cho người học bên cạnh các chương trình đào tạo trong nước và chương trình đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.

Tuyển sinh không đạt chỉ tiêu

Các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam thường có kết quả tuyển sinh nhất định, khó tăng số lượng.

TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết trường có 5 chương trình liên kết với ĐH Flinders (Úc) và ĐH Bond (Pháp). Chương trình liên kết quốc tế cho phép tuyển 30 - 40 sinh viên/lớp nhưng kết quả tuyển sinh năm nay cũng như các năm trước chỉ khoảng 15-20 sinh viên/lớp (đủ mở lớp).

ThS Nguyễn Anh Vũ cho biết tình hình tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế trong năm 2021 của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM gặp nhiều khó khăn bởi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tài chính các hộ gia đình nên khó có cơ hội cho các em tham gia chương trình quốc tế (với mức học phí cao và phương thức xét tuyển thông qua phỏng vấn và xét học bạ THPT hoặc điểm THPT theo tổ hợp môn). Mặt khác, trong quá trình tổ chức tuyển sinh, cũng do dịch bệnh nên các trường không có được nhiều hoạt động tư vấn, phổ biến thông tin trực tiếp mà thí sinh chủ yếu tham khảo qua mạng dẫn đến thí sinh ít lựa chọn chương trình quốc tế. Thuận lợi duy nhất có được dành cho chương trình quốc tế là số lượng học viên tiềm năng tăng do các em không thể đi du học hoặc quay về nước và tiếp tục học tại các cơ sở Việt Nam. Các em sẽ lựa chọn các chương trình du học tại chỗ hoặc chương trình liên kết quốc tế 2 giai đoạn để lấy bằng quốc tế hoặc tiếp tục đi du học khi tình hình dịch trên thế giới ổn định trở lại.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trường có 8 chương trình liên kết quốc tế đào tạo 2 giai đoạn (2+ 2) với ASU của Mỹ nhưng kết quả tuyển sinh năm nay không đạt chỉ tiêu đề ra. Tại nhiều trường ĐH khác, kết quả tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế cũng không đạt yêu cầu đề ra.

Thị phần riêng

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam có thị phần tuyển sinh riêng nên kết quả tuyển sinh các năm thường như nhau. Dịch bệnh diễn ra phức tạp chỉ làm cho kế hoạch du học của học sinh phải tạm thời hoãn hoặc chuyển sang học tại các trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam chứ không hẳn vì thế mà các em chuyển sang học chương trình liên kết quốc tế.

Bài và ảnh: Huy Lân/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lien-ket-quoc-te-kho-tuyen-sinh-hon-du-bao-20211111184323684.htm

  • Từ khóa