Phải thay đổi “định kiến” về dạy và học Mĩ thuật

Chủ nhật, 19.01.2020 | 17:52:12
1,047 lượt xem

Dù đã là môn học bắt buộc từ lớp 1 và mang lại hữu ích cho HS song môn học Mĩ thuật vẫn chịu cảnh “lép vế” trong tư duy, nhận thức của nhiều bậc phụ huynh và HS so với các môn học Toán, Văn, Ngoại ngữ. Chính vì vậy, hiệu quả từ dạy học Mĩ thuật vẫn chưa phát huy tối đa theo mong muốn thực tế.

Dạy học môn Mĩ thuật cần được nhìn nhận đúng vai trò.  

Dạy học môn Mĩ thuật cần được nhìn nhận đúng vai trò.

Ths Nguyễn Thị Nhung – Nguyên Phó trưởng khoa Sư phạm Mĩ thuật – Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương - Đồng Chủ biên SGK Mĩ thuật 1 đã trao đổi xung quanh các vấn đề dạy học Mĩ thuật.

"Còn nhiều nhận thức chưa đúng đắn về vai trò môn học Mĩ thuật...". Ths Nguyễn Thị Nhung cho biết.


Cần thiết có SGK Mĩ thuật

+Trong CTGDPT 2018, môn Mĩ thuật 1 lần đầu tiên có SGK dành cho HS như các môn học khác. Theo bà vì sao cần phải có SGK Mĩ Thuật 1 và học môn Mĩ thuật ngay từ lớp 1?

Môn Mĩ thuật là môn học bắt buộc trong CTGDPT 2006 đối với cấp TH và THCS. Tuy nhiên, với lớp 1, 2, 3 trong CTGDPT 2006 trước đây chỉ có sách hướng dẫn giáo viên (GV) và vở tập vẽ mà chưa có SGK dành cho HS như các môn học khác.

Cần có SGK Mĩ thuật cho HS bởi mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá của môn Mĩ thuật trong CTGDPT 2018 đã thay đổi so với CTGDPT 2006.

Nếu như trước kia, ở CTGDPT 2006, các yêu cầu cần đạt của môn Mĩ thuật tập trung vào việc hình thành và phát triển kĩ năng trong các phân môn thì CTGDPT 2018 tập trung hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất chung cũng như năng lực đặc thù của môn Mĩ thuật cho HS.

Để có thể đạt được mục tiêu hình thành các năng lực chung tự chủ - tự học, giao tiếp - hợp tác, giải quyết vấn đề - sáng tạo, các năng lực đặc thù… thì cần có SGK được thiết kế theo chuỗi các hoạt động, nhiệm vụ để HS tự trải nghiệm, tự thực hiện và phối hợp với bạn, với thầy cô, cộng đồng… trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh đó, với lợi thế của mình, môn Mĩ thuật sẽ giúp HS yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam… Các hoạt động của SGK sẽ giúp HS vận dụng môn Mĩ thuật linh hoạt, có hiệu quả vào học tập các môn học khác và kết nối Mĩ thuật với cuộc sống.

+ Trên cương vị đồng Chủ biên SGK Mĩ thuật 1, theo bà điểm đáng chú ý trong SGK Mĩ thuật 1 ở CTGDPT mới là gì?

Ở lần thay đổi CT và SGK này, một trong những điểm đáng chú ý là Nhà nước quyết định xã hội hoá SGK và thực hiện một CT nhiều bộ SGK. Do vậy, SGK chính là sự cụ thể hoá nội dung CTGDPT. Mỗi nhóm tham gia biên soạn SGK có cách riêng để truyền tải các yêu cầu cần đạt của CTGDPT và cũng có những điểm đáng chú ý riêng.

Ví như với bộ SGK Mĩ thuật 1 (Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục): Nội dung trong các bài học có tính liên kết, hệ thống để hình thành, phát triển năng lực sáng tạo và sáng tạo không ngừng cho HS; Hoạt động học tập yêu cầu HS sử dụng tất cả các giác quan: nhìn, nghe, xúc giác… chính vì vậy sẽ tác động đến các loại hình trí thông minh của HS nhằm phát triển phẩm chất và năng lực ở mỗi cá nhân. Bài học cũng giúp hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực thẩm mĩ đặc thù cho HS; Hình thức tổ chức học tập đa dạng, linh hoạt, luôn kết nối kiến thức với cuộc sống, tạo hứng thú học tập cho HS; Ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi, dễ hiểu và hấp dẫn với HS, thuận tiện cho việc tương tác giữa HS với GV và phụ huynh ở các vùng miền…

Đội ngũ GV Mĩ thuật bậc TH cần được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ để đáp ứng tốt dạy học khi bước vào CTGDPT mới.


Đảm bảo các điều kiện dạy học

+ Để triển khai SGK mới đòi hỏi đội ngũ GV, cơ sở vật chất cần được chuẩn bị những gì? Việc chọn SGK Mĩ thuật nên theo hướng nào?

Theo tôi, đội ngũ GV Mĩ thuật cấp TH đa số đã quen thuộc với đổi mới phương pháp dạy học Mĩ thuật. Tuy nhiên, việc dạy và học của GV và HS có đạt hiệu quả, đáp ứng với CTGDPT 2018 và SGK Mĩ thuật hay không cần có sự đổi mới tư duy, đầu tư đồng bộ về điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp, sự hợp lí về sĩ số HS trên/lớp, sự quan tâm của các cấp, ngành và xã hội, các bậc PHHS... để việc triển khai dạy học có kết quả.

Về phương pháp dạy học, đa số GV Mĩ thuật ở cấp TH đã được làm quen với các phương pháp và hình thức dạy học mới phù hợp với đặc thù của môn học. Tuy nhiên còn một bộ phận GV chưa được tập huấn và triển khai dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất do cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục chưa quan tâm và thấy tầm quan trọng của môn học trong nhà trường. Do vậy, GV Mĩ thuật cần được tập huấn về CT, SGK mới để hiểu rõ hơn về yêu cầu đổi mới toàn diện, đồng bộ ở tất cả các môn học.

Các cơ sở giáo dục cần lựa chọn được bộ SGK phù hợp nhất: dễ dạy, dễ học, đáp ứng được yêu cầu về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và điều kiện dạy học thực tế của mình nhằm phát triển cho HS các phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của CTGDPT 2018. Từ đó, việc triển khai tập huấn cho GV cũng cần có các cấp quản lý giáo dục từ Sở, Phòng, Trường tham gia cùng các GV bộ môn để có sự chỉ đạo sát sao, đúng yêu cầu và triển khai đồng bộ về chuyên môn để đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra phải đảm bảo được tính đồng bộ, đầy đủ trong việc tổ chức biên soạn cũng như việc sử dụng SGK Mĩ thuật 1, sách GV Mĩ thuật 1 và Vở thực hành Mĩ thuật 1 trong các cơ sở giáo dục. Điều đó không chỉ giúp GV mĩ thuật thuận lợi khi tổ chức các hoạt động dạy học, tạo điều kiện cho HS hình thành và phát triển được các phẩm chất và năng lực chung, năng lực môn học mà còn tránh gây ra sự lãng phí không cần thiết cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Việc dạy và học Mĩ thuật cũng khó đạt được hiệu quả nếu chỉ thuần tuý nghe, nói và dạy chay như cách dạy học truyền thống. Vì vậy dạy và học Mĩ thuật ngày nay cần đảm bảo trang bị ở mức cần và đủ các thiết bị và đồ dùng học tập cho môn học. Có như vậy thì mới tạo được điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học, qua đó phát triển tối đa các năng lực mĩ thuật của HS.

GV Mĩ thuật phải là người "thổi hồn" cho môn học.(ảnh minh họa)


Để Mĩ thuật không thành môn học “phụ”

+ Hiện nay, trong xã hội còn tồn tại quan niệm Mĩ thuật là môn học “phụ”. Chúng ta cần làm gì để thay đổi cách nhìn nhận không đúng đó?

Đây là hệ quả của việc nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ về vai trò của môn Mĩ thuật trong CTGDPT nói riêng và vai trò của mĩ thuật trong cuộc sống nói chung. Do đó, môn Mĩ thuật vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức không chỉ của HS, cha mẹ HS mà còn của các cơ sở giáo dục.

Việc Bộ GD&ĐT chính thức công bố CTGDPT mới, trong đó có CTGDPT môn Mĩ thuật, và tiếp đó là việc SGK Mĩ thuật mới, được chính thức đưa vào sử dụng từ năm học 2020 – 2021 có thể xem là cơ hội để thay đổi từng bước định kiến chưa đúng về môn Mĩ thuật còn tồn tại trong xã hội.

Với vai trò những người trực tiếp tham gia giảng dạy môn Mĩ thuật ở các cấp học trong hệ thống GDPT, GV Mĩ thuật cần chủ động, tích cực góp phần vào quá trình thay đổi nhận thức về môn Mĩ thuật.

Theo đó, trong quá trình dạy học môn Mĩ thuật, bản thân GV mĩ thuật phải luôn xem trọng chính môn giảng dạy của mình, tích cực, nhiệt tình trong dạy học, đầu tư đúng mức tâm huyết, trí tuệ cho việc giảng dạy môn học, tránh tư tưởng dạy qua loa cho xong nhiệm vụ. GV mĩ thuật phải khơi dậy được ở HS sự thích thú, yêu thích đối với môn Mĩ thuật; giúp HS, cha mẹ HS, các nhà quản lí giáo dục và xã hội thấy được vai trò của môn Mĩ thuật đối với hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung, đối với việc hình thành các năng lực và phẩm chất HS nói riêng.

Trong việc kiểm tra, đánh giá môn học, GV mĩ thuật cũng phải hết sức nghiêm túc, đề cao việc đánh giá công bằng, khách quan và đúng các phẩm chất và năng lực HS đạt được qua việc học tập môn học. Chỉ có như vậy mới có thể khắc phục được việc kiểm tra, đánh giá môn Mĩ thuật còn mang tính hình thức, thoả hiệp để đảm bảo vấn đề “thành tích” đã và đang tồn tại ở các trường TH và THCS nhiều năm qua.

Đức Trí/giaoducthoidai.vn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phai-thay-doi-dinh-kien-ve-day-va-hoc-mi-thuat-4059964-v.html

  • Từ khóa