Đào tạo giáo viên trước yêu cầu đổi mới

Thứ 2, 20.01.2020 | 15:25:00
593 lượt xem

Giáo viên (GV) là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, đổi mới đào tạo GV trong giai đoạn hiện nay trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm phát triển đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, năng cao về chất lượng.

Đào tạo, bồi dưỡng GV để đáp ứng kế hoạch triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới. Ảnh: Đức Trí  Đào tạo, bồi dưỡng GV để đáp ứng kế hoạch triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới. Ảnh: Đức Trí

Nhìn ra thế giới

PGS.TS Bùi Minh Đức - Khoa Ngữ văn (Trường ĐHSP Hà Nội 2) cho biết: Singapore đã xác định khá cụ thể các nhóm năng lực cơ bản mà mỗi GV cần đạt được khi bước vào nghề dạy học. Những nhóm năng lực này tiếp tục được cụ thể hóa bằng các nhánh năng lực nhỏ thuận tiện cho việc kiểm định chất lượng GV cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Bên cạnh năng lực dạy học và giáo dục HS, Singapore chỉ rõ các yêu cầu bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để phát triển nghề nghiệp trong thế kỷ mới. Một mặt, họ nhấn mạnh “trách nhiệm pháp lí và sự cần thiết phải duy trì các tiêu chuẩn cao về sự liêm chính nghề nghiệp” khi GV thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Mặt khác cũng đòi hỏi mỗi GV phải có khả năng “tìm kiếm cơ hội để chủ động cải thiện chuyên môn” cũng như nhận thức về giá trị và sự cần thiết của những kĩ năng cần cho khởi nghiệp và đổi mới sự nghiệp”…

Nền giáo dục Singapore dù không biến giáo dục thành một ngành kinh doanh hay dịch vụ thương mại nhưng cũng đưa những yếu tố tích cực của quy luật kinh tế và thị trường vào giáo dục để thúc đẩy tiến lên. Các tiêu chuẩn nghề nghiệp GV của Singapore thể hiện rất rõ các năng lực cơ bản của con người trong thế kỷ XXI, là: Năng lực giải quyết vấn đề; cộng tác; sử dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện; hiểu người khác; lắng nghe; lập kế hoạch… Nghĩa là tính chất cập nhật của các năng lực nghề nghiệp của GV Singapore đã đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thế kỷ mới.

PGS.TS Cao Thị Hà - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) lại chỉ ra kinh nghiệm trong đào tạo GV của Australia, là coi trọng mối quan hệ giữa trường phổ thông và trường sư phạm trong đào tạo GV; Tăng cường thực hành nghề nghiệp trong chương trình đào tạo GV; Chú trọng tích hợp công nghệ thông tin trong đào tạo GV.

Nghiên cứu về đào tạo GV của Đức và những định hướng đổi mới trong công tác đào tạo GV hiện nay, TS Nguyễn Thanh Hùng - Khoa Tâm lí Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) lại cho biết: Giáo dục của Đức theo chế độ liên bang, mỗi bang có Bộ Giáo dục riêng chịu trách nhiệm về mặt giáo dục của tiểu bang. Chương trình đào tạo ĐH của nước Đức theo hệ thống tín chỉ.

Mỗi tín chỉ châu Âu gồm 30 tiết, bao gồm cả tự học. Thời gian tự học của SV sẽ tăng dần từ năm thứ nhất đến năm cuối. Đến bậc học thạc sĩ, thời gian tự học có thể đến 50%. Ở các trường ĐH của Đức, việc đi học lí thuyết và điểm danh trên lớp là không bắt buộc, SV có thể không học trên giảng đường mà học tại nhà (chỉ bắt buộc các buổi seminar). Giảng viên quản lý bằng sản phẩm mà SV sẽ phải nộp.

Trung tâm đào tạo GV được thành lập ở hầu hết các trường ĐH tổng hợp. Nước Đức thường đào tạo GV dạy hai môn, không bắt buộc hai môn phải gần nhau mà có thể tùy ý. Mô hình đào tạo GV của Đức là 3 năm đào tạo cử nhân cộng 2 năm đào tạo thạc sĩ. SV sau khi tốt nghiệp sẽ có 18 tháng tập sự tại trường phổ thông trước khi sát hạch để lấy chứng chỉ làm GV…

Ảnh minh họa/ INT 


Kinh nghiệm nào cho đào tạo GV ở Việt Nam?

Từ nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo GV tại Đức và Australia, PGS.TS Cao Thị Hà chỉ ra sự khác biệt trong đào tạo GV ở Việt Nam. Cụ thể, đào tạo GV của Việt Nam hiện nay chủ yếu theo mô hình truyền thống. Mô hình này có ưu điểm là chương trình đào tạo ngay từ đầu đã có định hướng với GDPT. Tuy nhiên hiện nay, các trường sư phạm chủ yếu đào tạo GVPT dạy 1 môn, điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho các trường phổ thông khi phân công nhiệm vụ giảng dạy cho GV và gây nên những lãng phí nhất định.

Mặt khác, ở nước ta các trường CĐ sư phạm vẫn đảm nhiệm việc đào tạo GV dạy 2 môn cho các trường phổ thông. Nhưng mô hình này đã và đang bộc lộ nhiều bất cập như: Chất lượng tuyển sinh đầu vào ở các trường CĐ sư phạm khá thấp khiến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Mặt khác, vì thời gian đào tạo trong các trường CĐ sư phạm là 3 năm, trong khi đó SV phải học cả các kiến thức về khoa học giáo dục, khoa học chuyên ngành, thực tập… Với khoảng thời gian đào tạo ngắn như vậy sẽ khó để có thể đào tạo được GV đáp ứng yêu cầu thực tiễn. PGS.TS Cao Thị Hà cho rằng để đổi mới GDPT cần đổi mới từ công tác đào tạo GV sao cho không lãng phí và bảo đảm chất lượng.

Ths Nguyễn Hoàng Đan Huy - Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐHSP Hà Nội) cũng để xuất một số bài học trong phát triển chuyên môn GV ở Việt Nam dựa trên tìm hiểu nghiên cứu kinh nghiệm vận dụng lí thuyết học tập trải nghiệm trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho GV tại Ailen.

Theo đó, cải cách đổi mới giáo dục phải được lên kế hoạch tiến hành song song với chú trọng nhiều hơn vào công tác phát triển chuyên môn cho đội ngũ GV. GV phải được đào tạo, bồi dưỡng trước, thí điểm lên HS, nhà trường sau, cuối cùng mới áp dụng đại trà trên diện rộng để đảm bảo kế hoạch đổi mới có hiệu quả sau khi điều chỉnh và bổ sung hợp lí, phù hợp. Có như vậy GV mới phát triển chuyên môn bền vững, đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đổi mới lâu dài. Tránh trường hợp thay đổi kế hoạch, phát triển chuyên môn của GV theo đó cũng ảnh hưởng, hết kế hoạch bồi dưỡng này lại đến kế hoạch bồi dưỡng khác, lãng phí thời gian, công sức, tiền của.

Phát triển chuyên môn theo lí thuyết học tập trải nghiệm kết hợp với ứng dụng những nội dung của đổi mới trong giáo dục theo ba giai đoạn: Quan sát người học, tham gia với vai trò là người học, phát triển liên tục… để bảo đảm phát triển chuyên môn theo đúng bản chất là sự phát triển trí tuệ và niềm tin, thái độ của GV…

Xây dựng cộng đồng phát triển chuyên môn hỗ trợ thường xuyên và chuyên nghiệp cho đội ngũ GV trong và ngoài trường. Hoạt động hỗ trợ xây dựng cộng đồng này nên được diễn ra thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, ứng dụng tiếp cận nghiên cứu bài học trong đó đặt HS và hoạt động học tập của HS vào trung tâm, đánh giá hiệu quả dạy học của GV thông qua hành vi, thái độ, cảm xúc của HS trên lớp cũng như kết quả học tập của HS thông qua các sản phẩm học tập.

“Đổi mới giáo dục phổ thông nói chung, chương trình và sách giáo khoa nói riêng là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan trực tiếp tới việc đào tạo thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Song để đổi mới có hiệu quả, ngoài việc xây dựng chương trình phù hợp thực tiễn Việt Nam, cần nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ. Trong đó đào tạo và bồi dưỡng GV - những người trực tiếp thực hiện đáp ứng yêu cầu đổi mới mới là yếu tố quyết định”.

                             GS.TS NGUYỄN THỊ CÔI - Trường ĐHSP Hà Nội

  • Từ khóa