Tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), vấn đề bạo lực học đường một lần nữa được nêu lên với những con số đáng lo ngại.
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê mới cập nhật cho thấy, từ ngày 1-9-2021 đến đầu tháng 11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh, bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc về bạo lực học đường. Trong đó, có vụ nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học; số vụ có học sinh nữ tham gia nhiều hơn. Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, một phần các hiệu trưởng cũng như giáo viên khi trực tiếp phát hiện tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Bên cạnh đó là vấn đề tâm sinh lý của lứa tuổi đang trưởng thành, ảnh hưởng của mạng xã hội, bộ phim có nội dung về bạo lực tập thể được đưa lên môi trường internet.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV). Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, đáng chú ý có nguyên nhân từ xung đột và bạo lực trong gia đình. Hằng năm, có khoảng 220.000 vụ ly hôn, trong đó, 70-80% có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảnh báo, học sinh trong các gia đình đó có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường chiếm tỷ lệ rất lớn. Việc ngăn chặn, giải quyết những vấn đề gia đình có vai trò rất quan trọng để đẩy lùi bạo lực học đường. Gia đình là nơi vun đắp, nuôi dưỡng, góp phần hình thành nhân cách cho con trẻ. Mỗi thành viên cùng góp sức xây dựng hạnh phúc gia đình, để con em mình được lớn lên trong tình yêu thương, sự đùm bọc cũng là giúp các em tránh xa với bạo lực.
Sự quan tâm của nhà trường, xã hội đối với bạo lực học đường có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, coi là chuyện của con trẻ, không phải vấn đề to tát. Chính vì vậy, rất cần sự chia sẻ, đồng cảm, sâu sát hơn nữa của giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội, kịp thời nắm bắt những thay đổi về tâm sinh lý, hướng dẫn các em cách thức đúng đắn để giải quyết mâu thuẫn, xung đột, không phải bằng hành vi bạo lực. Đặc biệt, rất cần trang bị cho học sinh kỹ năng sống, ứng xử, cách thức để xử lý những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, góp phần hình thành thói quen lành mạnh, tích cực. Cùng với đó, cần xây dựng các sân chơi, hoạt động bổ ích, ý nghĩa, nhân lên trong các em tình nhân ái, tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng xã hội.
Theo qdnd.vn