Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp cuối năm

Thứ 3, 12.12.2023 | 08:58:56
562 lượt xem

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2023, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18%, còn Mỹ và Nhật Bản giảm lần lượt là 17,9% và 9,1%.

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang. (Ảnh TRẦN QUỐC)

Dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa, thực phẩm của Trung Quốc còn tăng mạnh hơn nữa để phục vụ dịp Tết, lễ. Ðây là cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

Nhiều mặt hàng có lợi thế

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tính chung 11 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả cả nước ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của cả năm 2022. Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 10 tháng năm 2023, chủng loại quả đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng; trong đó, sầu riêng, mít, xoài là những loại quả có tốc độ tăng đáng kể.

Ngoài sầu riêng, thị phần trái chuối của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể và là thị trường cung cấp lớn thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm 28,2% tổng sản lượng trái chuối Trung Quốc nhập khẩu trong 10 tháng năm 2023. Tiềm năng xuất khẩu chuối tươi và chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm, trong khi Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam do thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng, còn dịch bệnh lại xuất hiện nhiều khiến cây trồng này kém hiệu quả. 

Về thủy sản, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Trung Quốc, đạt 72,6 triệu USD trong tháng 10/2023. Tính chung 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 683,9 triệu USD, giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 9,4% trong 10 tháng năm 2022 xuống còn 4,3% trong 10 tháng năm 2023. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, dự kiến nhu cầu tiêu dùng thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng mạnh phục vụ cho các dịp lễ, Tết cho nên sẽ gia tăng lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Bảo đảm nguồn cung hàng nông sản

Theo Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam; trong đó có tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn của Việt Nam; hơn 70% sản lượng cao-su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

Ðối với mặt hàng cao-su, dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu nhập khẩu cao-su của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nhờ có trợ lực từ chính sách kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ ngành công nghiệp ô-tô của Trung Quốc. Giá cao-su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700- 1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô-tô của nước này đạt mức kỳ vọng.

Dự báo, thời gian tới, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cao-su để phục vụ sản xuất ô-tô trong kế hoạch dài hạn. Nhu cầu nhập cao-su cho sản xuất lốp xe của quốc gia này hiện cũng đang lên cao. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu cao-su Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu tới thị trường này.

Về mặt hàng rau quả, trong tháng cuối năm 2023, hàng rau quả sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên, việc quản lý mã số vùng trồng cây ăn quả hiện còn nhiều hạn chế, nhất là việc liên kết không chặt chẽ, tình trạng bẻ kèo, tranh mua, tranh bán thường xuyên xảy ra.

Thời gian tới, nếu các địa phương không có biện pháp khắc phục thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều loại trái cây, kể cả đối diện với nguy cơ mất thị trường, vì vậy, cần làm tốt khâu quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nâng cao uy tín cho các mặt hàng rau quả.

Mới đây, lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 9/11/2022. Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến, gồm tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Ðây là dấu mốc quan trọng đối với ngành hàng yến của Việt Nam; đồng thời cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian tới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhieu-co-hoi-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-dip-cuoi-nam-post787028.html

  • Từ khóa