Phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ổn định và bền vững

Thứ 3, 12.12.2023 | 09:14:32
463 lượt xem

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12/2023.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Ðây là chuyến thăm cấp Nhà nước thứ ba của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc và được thực hiện vào thời điểm một năm sau chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc năm 2022. Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng và lâu dài đối với quan hệ hai Ðảng, hai nước.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh trên thế giới xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển được thúc đẩy, tuy nhiên, tình hình quốc tế có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ và thuận lợi. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, quyết liệt và toàn diện. Những điểm nóng xung đột tiếp diễn phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro. Thách thức an ninh phi truyền thống phức tạp hơn. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương, trong đó có Ðông Nam Á, duy trì vị thế là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới và cũng là một trọng điểm cạnh tranh, tập hợp lực lượng của các nước lớn.

Từ sau Ðại hội XX của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022), Trung Quốc cơ bản giữ ổn định chính trị và vai trò của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong xã hội; củng cố vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kinh tế Trung Quốc phục hồi ở mức tích cực; khoa học-công nghệ đạt thành tựu mới; tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh được duy trì và phát triển.

Về đối ngoại, Trung Quốc triển khai nhiều hình thức đa dạng, phát huy cả đối ngoại Ðảng và ngoại giao Nhà nước, đưa ra nhiều sáng kiến, nâng cao ảnh hưởng trong nhiều vấn đề và tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn. Các sáng kiến của Trung Quốc thu hút sự ủng hộ, tham gia của nhiều nước, qua đó Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với việc định hình trật tự khu vực và quốc tế.

Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Ðảng…

Quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước Ðông Nam Á được củng cố, phát triển cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn quan trọng được tăng cường. Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm và có uy tín ngày càng cao tại ASEAN, Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế khác. Các hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột là đối ngoại Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó có ngoại giao nghị viện, đối ngoại quốc phòng-an ninh.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển tích cực. Sau 15 năm triển khai khuôn khổ quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể phát triển tích cực trong các lĩnh vực, với nhiều điểm sáng, nhất là sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai bên được nâng cao, góp phần củng cố quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước, trước hết thông qua các chuyến thăm, trao đổi cấp cao, đặc biệt là giữa hai đồng chí Tổng Bí thư, cũng như giữa các cấp từ Trung ương tới địa phương và giao lưu nhân dân.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được mở rộng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc. Trung Quốc đứng thứ sáu trong 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác quốc phòng-an ninh phát triển với nhiều hình thức mới. Hai nước nhất trí xây dựng hợp tác quốc phòng-an ninh thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương. Hợp tác hai nước tại các diễn đàn quốc tế được mở rộng; hai bên ủng hộ một số sáng kiến của nhau.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; thể hiện sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu của cả hai nước đối với việc củng cố và nâng tầm hơn nữa quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Dành sự đón tiếp trọng thị và thân tình với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại của Ðại hội XIII của Ðảng là độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó ưu tiên hàng đầu quan hệ với các nước láng giềng; nhất quán coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lâu dài với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phát huy xu thế tích cực, điểm tương đồng, gắn kết giữa hai nước láng giềng, cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước.

Chúc chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đến Việt Nam thành công tốt đẹp, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục vững chắc, ổn định và bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-quan-he-viet-nam-trung-quoc-on-dinh-va-ben-vung-post787032.html

  • Từ khóa