Ngày 31/8/2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BXD về định mức xây dựng.
Thông tư đã giải quyết phần lớn khó khăn, vướng mắc về định mức trong lập dự toán chi phí xây dựng công trình đối với lĩnh vực đường bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, đơn giá định mức vẫn chưa đồng bộ, “vênh” rất xa thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án gặp khó khăn, nhà thầu nản lòng. Việc giải ngân đầu tư công chậm trễ, ách tắc cũng có một phần nguyên nhân từ đây.
Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, khi khảo sát, cơ quan chuyên ngành đã căn cứ vào công nghệ, máy móc thi công từ rất lâu để tính toán, trong khi hiện nay công nghệ xây dựng đã hiện đại hơn nhiều lần. Đơn giá, định mức bị lạc hậu, không cập nhật được tình hình cụ thể của công nghệ, năng suất hiện tại, một số định mức không có, nhất là định mức chuyên ngành giao thông.
Trong thực tiễn, đơn giá định mức vẫn chưa đồng bộ, “vênh” rất xa thực tế, khiến đơn vị quản lý dự án gặp khó khăn, nhà thầu nản lòng. Việc giải ngân đầu tư công chậm trễ, ách tắc cũng có một phần nguyên nhân từ đây.
Đơn cử, lương kỹ sư theo đơn giá định mức chỉ 5 triệu đồng/tháng, trong khi thực tế, lương kỹ sư công trường phải 14-15 triệu đồng/tháng, lương công nhân đơn giá định mức cũng chỉ bằng một nửa thực tế. Khoản chênh lệch đó doanh nghiệp phải gánh.
Một bất cập khác là việc công bố đơn giá vật liệu, Sở Xây dựng địa phương có trách nhiệm công bố, nhưng việc này thường chậm hơn 2-3 tháng, không bắt kịp biến động thị trường. Đơn giá vật liệu không được tính sát, tính đúng, tính đủ với tính chất, quy mô dự án, nhà thầu không mặn mà với các dự án xây dựng cơ bản.
Trong thời gian tới, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tập trung vào đường sắt tốc độ cao/đường sắt đô thị. Hiện tại, bộ đơn giá, định mức cho các công trình này chưa có và cũng rất khó khăn trong xây dựng định mức vì chưa có công trình tương tự để thực nghiệm, tham chiếu. Việc xây dựng đơn giá, định mức, cần phải tham chiếu các nước có điều kiện tương tự, từ đó xây dựng và điều chỉnh dần phù hợp trong nước.
Gần đây, quá trình triển khai dự án đầu tư hạ tầng xây dựng cơ bản, có nhiều tiêu chuẩn mới, công nghệ, máy móc mới,… được áp dụng trong thực tiễn, do đó hệ thống định mức có độ trễ, không theo kịp tiến bộ của công nghệ, máy móc công trình. Vì vậy, việc vận dụng định mức mới đã nảy sinh nhiều bất cập.
Việc rà soát, khắc phục bất cập trong xây dựng, điều chỉnh đơn giá, định mức giao thông là vấn đề cấp bách, cần thực hiện càng sớm càng tốt, tập trung trước vào định mức các hạng mục có tính ảnh hưởng lớn, kỹ thuật phức tạp.
Với khối lượng khoảng 40 nghìn định mức hiện nay, để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ, đơn giá vật liệu, nhân công, cập nhật đơn giá định mức sát diễn biến thị trường là vấn đề hết sức khó khăn. Giai đoạn trước mắt, các nhà thầu, chủ đầu tư cần “bắt tay” với Bộ Giao thông vận tải cung cấp dữ liệu chính xác, có định lượng để xác định, lập định mức đề nghị Bộ Xây dựng thỏa thuận, thống nhất để Bộ Giao thông vận tải ban hành định mức chuyên ngành, tập trung vào các định mức lớn.
Về lâu dài, ngành giao thông cần nâng cấp cơ quan khoa học, công nghệ, chiến lược có chức năng xây dựng định mức, tư vấn lập định mức như Viện Kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng. Một số quốc gia tiên tiến xây dựng một hệ thống thông tin chung để chủ đầu tư, nhà thầu cập nhật thường xuyên thông tin về đơn giá từng vùng, miền, cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ khuyến cáo việc xây dựng đơn giá theo từng nơi, còn chủ đầu tư có toàn quyền quyết định.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/sua-doi-don-gia-dinh-muc-giao-thong-post787224.html