Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (từ ngày 1/5/2013), bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ những bất cập và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi sớm hoàn thiện chính sách để thực thi đầy đủ và toàn diện các biện pháp để phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả hơn.
Để nội luật hóa các cam kết khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), đánh đấu bước ngoặt lớn trong công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá. Luật PCTH của thuốc lá được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là khá toàn diện và phù hợp với công ước khung, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các tác hại về sức khỏe, kinh tế và môi trường do việc sử dụng thuốc lá gây ra.
Ngay sau khi luật chính thức có hiệu lực, các bộ, ngành liên quan đã triển khai những phần việc được giao. Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đầu mối đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đến xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì sản phẩm thuốc lá; thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...
Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện luật được ban hành kịp thời, đầy đủ, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCTH của thuốc lá. Mạng lưới về PCTH của thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc; công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai trên toàn quốc. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ðến nay, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 38,9% (năm 2023); tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm từ 13 đến 17 tuổi giảm từ 5,36% xuống 2,78%; ở nhóm 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% xuống 1,9%... Có từ 77 đến 97% số người trưởng thành được hỏi tin rằng thuốc lá gây các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch; 90% số người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế…
Với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác PCTH của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Mỗi năm, cả nước có ít nhất 40 nghìn người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Công tác PCTH của thuốc lá vẫn còn những khó khăn, bất cập, đó là hoạt động của Ban chỉ đạo về PCTH của thuốc lá tại nhiều tỉnh, thành phố và cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; việc phối hợp liên ngành còn yếu; công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt tại các cấp. Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, gần thấp nhất trong khu vực ASEAN, giá các sản phẩm thuốc lá rẻ trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng; Các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận các sản phẩm thuốc lá, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Tỷ lệ hút thuốc đã giảm, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại nhà hàng, quán bar và một số nơi tập trung đông người. Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp; các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên…
Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực PCTH của thuốc lá và là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút thuốc lá gia tăng trở lại nếu như chúng ta không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá lưu ý, thuốc lá truyền thống gây chết từ từ nhưng thuốc lá mới có thể gây hậu quả ngay lập tức, thậm chí tử vong. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi "đại dịch" thuốc lá.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nêu rõ, đến nay Việt Nam chưa đạt tiến bộ đủ nhanh để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra của chiến lược quốc gia PCTH của thuốc lá, Chương trình Việt Nam khỏe mạnh cũng như mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, cần làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi việc sử dụng thuốc lá, hoặc bất kỳ sản phẩm nào có nguy cơ gây nghiện nicotine. Nếu chúng ta có thể ngăn chặn ai đó bắt đầu sử dụng các sản phẩm này khi họ còn trẻ, điều đó giống như tiêm cho họ một loại vắc-xin bảo vệ chống lại tác hại của thuốc lá và nghiện nicotine suốt đời, bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá hoặc nicotine khi họ đã trưởng thành.
Ðể góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về Phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá; thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTH thuốc lá, từ truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng thuốc lá đến thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá; tiếp tục ủng hộ việc tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá… để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng.
Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành Nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá mới.
Theo nhandan.vn