Chống hàng giả trên các sàn thương mại điện tử

Thứ 6, 15.12.2023 | 09:01:12
560 lượt xem

Thời gian qua, lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một kho hàng kinh doanh online các sản phẩm giả nhãn hiệu trên địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh QUYÊN LƯU)

Ngày 29/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 nhằm thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động này được minh bạch, lành mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để đề án nêu trên đạt hiệu quả cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, thời gian tới các lực lượng chức năng, chủ công là quản lý thị trường phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thanh kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Vấn đề quan trọng, cấp thiết

Trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ "bùng nổ" như hiện nay, đặc biệt là trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong 10 tháng của năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 62 nghìn vụ việc liên quan đến hoạt động TMĐT, xử lý 44.500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 410 tỷ đồng.

Điển hình vào đầu tháng 11 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã trực tiếp chỉ đạo và phối hợp liên ngành kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên tại TP Pleiku (Gia Lai), bắt quả tang tại đây đang thực hiện hành vi livestream bán hàng là các sản phẩm giả, nhái nhiều nhãn hiệu lớn trên thế giới.

Tại thời điểm kiểm tra, tài khoản Facebook của chủ cơ sở này có đến 142 nghìn lượt người theo dõi với hàng trăm đến hàng nghìn lượt "chốt đơn" mỗi ngày đi khắp nơi trên cả nước.

Chủ cơ sở này còn công khai sử dụng tên thật, địa chỉ thật để lập kho kinh doanh hàng lậu, hàng nhái nhằm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra một kho hàng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, phát hiện tại đây có 28 nghìn sản phẩm là mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân,… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được phân phối bán hàng online trên sàn TMĐT. Tổng giá trị hàng hóa lưu trữ tại kho ước tính hơn 1 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trong 2-3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội trở thành vấn đề rất "nóng". Số vụ vi phạm và xử lý không ngừng gia tăng, với tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh,… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online trên các nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT, với các mặt hàng giả là túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm,... chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài nhập lậu về Việt Nam. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã xác định công tác chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), với việc TMĐT phát triển bùng nổ như hiện nay đã và đang tạo ra thách thức rất lớn cho lực lượng chức năng. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện do hình ảnh và thông tin sản phẩm sử dụng trên các sàn TMĐT là hàng thật; người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian hoặc có tính ẩn danh cao nên lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, xử lý. Một thủ đoạn khác, người bán chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau của mạng xã hội Facebook, thì mỗi fanpage chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên cũng rất khó trong việc truy vết. Điều này khiến công tác xử lý càng khó khăn khi các đối tượng có phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhưng công cụ hỗ trợ về công nghệ cho các cán bộ thực thi vẫn còn rất thiếu và yếu. Người mua biết mua phải hàng giả nhưng không tố giác tội phạm; sự phối hợp cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ thêm: "Việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó hay hàng hóa chủ yếu trên thông qua các đơn vị vận chuyển để giao nhận nên vô tình các công ty chuyển phát lại trở thành bên vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu,... Một số vụ việc lực lượng quản lý thị trường buộc phải theo dõi xe vận chuyển từ nơi xuất phát đến tận nơi dỡ hàng tại kho cách hàng trăm ki-lô-mét rồi mới có thể ập vào kiểm tra hàng hóa. Chưa kể trong thời buổi TMĐT bùng nổ mạnh mẽ, chỉ cần có thiết bị di động thông minh kết nối mạng internet thì ai, ở đâu cũng có thể hằng ngày livestream bán hàng đi khắp nơi và ngược lại. Thậm chí với loại hình TMĐT xuyên biên giới, các hành vi vi phạm còn vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam".

Chính vì vậy, theo ông Linh, ngăn chặn các vi phạm trên TMĐT không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ công vẫn là lực lượng quản lý thị trường, phải chủ động hơn nữa đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý; xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Theo nhận định của một số chuyên gia, để khắc phục bất cập hiện nay trong quản lý TMĐT, quan trọng nhất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để đáp ứng tình hình thực tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên không gian mạng. Các lực lượng chức năng cần tích cực chủ động phối hợp, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa,… Phải tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); cần yêu cầu bổ sung trách nhiệm của các chủ mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát hàng hóa lưu thông trên môi trường mạng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian tới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chong-hang-gia-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-post787584.html#787584|zone-highlight-1185|1

  • Từ khóa