Các nghiên cứu cũng như thực tế tại nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất, là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững (cùng với bền vững về môi trường; khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản; bền vững về văn hóa). Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển con người bền vững để phát triển bền vững đất nước.
Ảnh minh họa |
Mức sinh bình quân toàn xã hội là 2,1 con/phụ nữ trong đời người được gọi là tổng tỷ suất sinh thay thế. Nếu tổng tỷ suất sinh lớn hơn 2,1 thì số lao động xã hội sẽ tăng lên và dân số sẽ tăng lên; còn nếu tổng tỷ suất sinh dưới 2,1 kéo dài thì số lao động trong xã hội sẽ giảm và sau một thời gian dân số cũng giảm.
Với một đất nước, nếu tổng tỷ suất sinh thấp dưới tổng tỷ suất sinh thay thế kéo dài và duy trì ở mức thấp nhiều năm sẽ gây ra suy giảm số người trong tuổi lao động, thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây ra trì trệ tăng trưởng và thu ngân sách.
Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có tổng tỷ suất sinh thấp dưới tổng tỷ suất sinh thay thế hàng chục năm qua lại phát triển không bền vững về con người và có thể tự tiêu vong như họ đã dự báo. Năm 2006, Nhật Bản đã dự báo, dân số nước này sẽ giảm từ 128 triệu năm 2010 còn 50 triệu vào năm 2100, còn 1 triệu vào năm 2350 và chỉ còn 62 người vào năm 3000.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong 42 nước thu nhập cao trên thế giới có dân số từ 1 triệu người trở lên thì có tới 39 nước (khoảng 93%) tổng tỷ suất sinh thấp dưới tổng tỷ suất sinh thay thế, trong đó có 31/42 nước (gần 74%) tổng tỷ suất sinh thấp đã kéo dài từ 30 năm trở lên. Cả 31 nước thu nhập cao có tổng tỷ suất sinh dưới tổng tỷ suất sinh thay thế từ 30 năm trở lên đều không thể tự tái tạo được đầy đủ lao động và công dân của mình. Giải pháp căn bản là bên cạnh các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, để bù đắp thiếu hụt lao động, các nước này tiếp nhận người nhập cư. Nếu không có hàng chục triệu người nhập cư là nguồn lao động và dân số bổ sung thì 74% các nước thu nhập cao hiện nay đã trải qua hàng chục năm suy thoái về lao động và dân số.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về hiện tượng tổng tỷ suất sinh ở Nhật Bản thấp bền vững, gây hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế và xã hội, song đến nay chưa có các kết quả đầy đủ, đồng bộ về nguyên nhân của hiện tượng này làm cơ sở cho Chính phủ đưa ra các giải pháp, chương trình khắc phục. Vì vậy các chương trình của Chính phủ khuyến khích kết hôn và sinh con từ hơn 30 năm nay (1990-2023) đã không đem lại kết quả mong muốn.
Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh xã hội Nhật Bản đã dự báo, đến năm 2070, tổng tỷ suất sinh ở nước này vẫn ở mức 1,36. Như vậy Nhật Bản sẽ trải qua gần 100 năm tổng tỷ suất sinh dưới tổng tỷ suất sinh thay thế (1974-2070), 75 năm suy thoái lao động (1995-2070), 60 năm suy thoái dân số (2010-2070). Nguy cơ nước Nhật sẽ mất 97% dân số sau 300 năm nữa vẫn hiện hữu.
Nhật Bản không tiếp nhận người nhập cư như giải pháp chủ yếu để bù đắp thiếu hụt lao động, trong khi Đức, cũng là một nước thu nhập cao, có tổng tỷ suất sinh thấp dưới 2,1 kéo dài hơn 50 năm (1971-2023) bù đắp thiếu hụt lao động bằng người nhập cư hằng năm.
Mặc dù Chính phủ Nhật Bản và Đức đều có các chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em, song đã gần 30 năm ở Nhật Bản và 40 năm ở Đức, tổng tỷ suất sinh vẫn ổn định ở mức thấp, bình quân dưới 1,5, cách xa tổng tỷ suất sinh thay thế (2,1).
Nếu như trước năm 1970, tất cả các châu lục đều có tổng tỷ suất sinh lớn hơn tổng tỷ suất sinh thay thế, dân số đều đang tăng, thì 30 năm sau (năm 2000), tổng tỷ suất sinh của tất cả các châu lục đều giảm, châu Âu là thấp nhất (chỉ còn 1,43).
Châu Âu trở thành châu lục đầu tiên không duy trì được khả năng tái tạo đầy đủ con người của mình liên tục từ năm 1975. Một cặp vợ chồng chỉ sinh bình quân 1,43 con thì khi họ chết thì chỉ có 1,43 con thay thế (dân số giảm). Với tổng tỷ suất sinh là 1,43 thì khi 1,43 người con này chết chỉ có 1,02 cháu thay thế (dân số giảm). Khi 1,02 người cháu này chết thì chỉ có 0,73 chắt thay thế. Tức là từ hai người ban đầu (vợ, chồng) thì sau ba thế hệ chỉ để lại 0,73 người cho xã hội, dân số đất nước giảm 63%. Nếu sau mười thế hệ thì dân số giảm hơn 96%. Vì vậy có thể coi châu Âu là “hố đen dân số ” đầu tiên của thế giới…
Do lúc này các khu vực khác đều đang có tổng tỷ suất sinh lớn hơn tổng tỷ suất sinh thay thế, nên châu Âu có thể thu hút người nhập cư từ các lục địa khác như châu Á, Nam Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi…
Năm 2020, Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe, Đại học Washington đã dự báo năm 2034 tổng tỷ suất sinh toàn cầu sẽ bằng 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 là 1,66. Tức là lúc này, sau 2034, cả thế giới sẽ là một “hố đen về dân số”. Riêng châu Phi, năm 2063 có tổng tỷ suất sinh là 2,1 và sau đó tiếp tục giảm, là “hố đen dân số” cuối cùng trong các châu lục. Dân số thế giới đạt đỉnh 9,7 tỷ vào năm 2064, sau đó sẽ giảm còn khoảng 8,8 tỷ năm 2100 (suy thoái dân số toàn cầu 36 năm), và dân số hầu hết các nước thu nhập cao sẽ giảm sau năm 2064.
Phát triển con người bền vững bao gồm: lao động và dân số bền vững, nâng cao sức khỏe và tầm vóc, nuôi dưỡng và phát huy văn hóa dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và năng lực nghề nghiệp, công dân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc. Ở đây chúng ta tạm thời tập trung vào lao động và dân số bền vững. Diễn biến tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam giai đoạn 1960-2010 phù hợp với chương trình kế hoạch hóa gia đình quốc gia, nhằm giảm tỷ lệ sinh, tuy nhiên từ 2016 giữ vững tổng tỷ suất sinh thay thế đã trở thành mục tiêu mới của chính sách dân số Việt Nam.
Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có Nghị quyết của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017) và Chiến lược phát triển dân số đến 2030 của Chính phủ (2019) với mục tiêu bảo đảm vững chắc tổng tỷ suất sinh thay thế (2,1 con). Song kết quả thực hiện Nghị quyết và chiến lược này đến nay rất đáng lo ngại.
Mặc dù Nghị quyết 21-NQ/TW đã xác định một giải pháp căn bản để bảo đảm vững chắc tổng tỷ suất sinh thay thế là các địa phương có tổng tỷ suất sinh trên tổng tỷ suất sinh thay thế thì phải giảm tổng tỷ suất sinh; các địa phương có tổng tỷ suất sinh dưới tổng tỷ suất sinh thay thế thì phải tăng được tổng tỷ suất sinh; các địa phương có tổng tỷ suất sinh bằng tổng tỷ suất sinh thay thế thì duy trì ổn định. Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại. Đó là 3 vùng trung du-miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ-duyên hải miền trung có tổng tỷ suất sinh bằng hoặc trên tổng tỷ suất sinh thay thế thì lại tiếp tục tăng. Trong khi đó, hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tổng tỷ suất sinh dưới tổng tỷ suất sinh thay thế lại tiếp tục giảm. Trong 19 tỉnh, thành phố của Đông và Tây Nam Bộ chỉ có Bình Phước là có tổng tỷ suất sinh lớn hơn tổng tỷ suất sinh thay thế (2,29), 18 tỉnh, thành phố còn lại đều có tổng tỷ suất sinh dưới tổng tỷ suất sinh thay thế. Tây Nguyên có tổng tỷ suất sinh (2,65) cao nhất cả nước năm 2009 thì giảm, song vẫn còn khá cao.
Điều này chứng tỏ mục tiêu điều chỉnh tổng tỷ suất sinh ở 5/6 vùng cả nước không đạt. Nếu không có tổng tỷ suất sinh cao ở 4/6 vùng cả nước bù cho tổng tỷ suất sinh thấp ở 2/6 vùng thì đất nước ta đã không giữ được tổng tỷ suất sinh thay thế suốt 15 năm qua (2009-2023).
Nếu từ nay đến năm 2030, giảm được tổng tỷ suất sinh ở 4/6 vùng theo yêu cầu mà không nâng được tổng tỷ suất sinh của 2/6 vùng thì Việt Nam chắc chắn sẽ không duy trì được tổng tỷ suất sinh thay thế vào năm 2030 và các năm sau.
Hiện cả nước có 22 tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh dưới 2,03, đã trở thành “hố đen dân số” ở các mức khác nhau, chiếm hơn 40% dân số cả nước.
Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức và xây dựng chính sách thúc đẩy và giám sát phát triển xã hội theo hướng coi gia đình hạnh phúc, người dân hạnh phúc, phát triển bền vững về con người là mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam tất yếu đi theo con đường mà các nước phát triển đã và đang đi qua. Đó là càng giàu càng mất khả năng duy trì bền vững nòi giống, tăng trưởng kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là không bền vững.
Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức và xây dựng chính sách thúc đẩy và giám sát phát triển xã hội theo hướng coi gia đình hạnh phúc, người dân hạnh phúc, phát triển bền vững về con người là mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam tất yếu đi theo con đường mà các nước phát triển đã và đang đi qua. Đó là càng giàu càng mất khả năng duy trì bền vững nòi giống, tăng trưởng kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là không bền vững.
Thực tế biến động tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra 4 thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững. Đó là: nguy cơ không đạt được mục tiêu bảo đảm vững chắc tổng tỷ suất sinh thay thế từ nay đến năm 2030; diễn biến bất thường của tổng tỷ suất sinh ở đồng bằng sông Cửu Long cần được nghiên cứu và khắc phục nhanh chóng; quá trình đô thị hóa không định hướng phát triển gia đình và phát triển con người bền vững là một nguyên nhân chính của tổng tỷ suất sinh giảm dưới tổng tỷ suất sinh thay thế; dự báo thô về dân số dài hạn của Việt Nam chỉ ra nguy cơ Việt Nam sẽ mất 97% dân số sau 500 năm.
Từ những phân tích và dự báo nêu trên, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025-2045 với 5 quan điểm cơ bản.
Thứ nhất, phát triển bền vững con người Việt Nam là nền tảng quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước. Còn con người Việt Nam thì mới còn văn hóa Việt Nam, còn đất nước Việt Nam. Nếu đất nước Việt Nam không tái tạo được con người Việt Nam thì đất nước sẽ tiêu vong.
Thứ hai, để phương thức tăng trưởng kinh tế của đất nước không dẫn tới suy thoái lao động và dân số cần có sự thống nhất cao giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò không thể thay thế của gia đình và các điều kiện cần thiết để gia đình hạnh phúc, bảo đảm vững chắc tổng tỷ suất sinh thay thế.
Thứ ba, các chính sách của chính phủ để phòng ngừa suy thoái lao động, suy thoái dân số phải được ban hành từ sớm, từ xa và đủ mạnh.
Thứ tư, nếu tiền lương tối thiểu của người lao động không đủ để nuôi hai người (người đi làm và 1 trẻ em) thì không thể có phát triển nhân lực bền vững. Thứ năm, cần làm rõ và khẳng định: kết hôn và sinh con là quyền tự do cá nhân, đồng thời người Việt Nam yêu nước có trách nhiệm đóng góp cho đất nước phát triển bền vững.
Vì lợi ích quốc gia, vì tồn vong của dân tộc, Nhà nước phải xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững 2025-2045, để khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết và các nguyên tắc bảo đảm đất nước phát triển bền vững về con người (về số lượng và chất lượng), xây dựng các chương trình của Chính phủ hỗ trợ gia đình và trẻ em, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của các doanh nghiệp và các tổ chức để xã hội Việt Nam có môi trường chính trị, môi trường kinh tế, môi trường xã hội, môi trường văn hóa hợp lý, khuyến khích đại đa số công dân trẻ Việt Nam lập gia đình và mỗi gia đình bình quân có 2,1 con. Nếu làm được như vậy các gia đình Việt Nam sẽ là gia đình hạnh phúc, đồng thời họ hoàn thành nghĩa vụ công dân yêu nước, giúp đất nước Việt Nam trường tồn.
Việt Nam phấn đấu là nước thu nhập cao vào năm 2045. Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam dự báo sẽ giảm xuống dưới tổng tỷ suất sinh thay thế vào khoảng năm 2025-2027 và sau đó giảm tiếp, nếu các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển bền vững con người Việt Nam không có sự thay đổi mạnh mẽ. Tức là chúng ta còn khoảng 20 năm để đến thời điểm phải chịu hậu quả của thiếu lao động và để ban hành các chính sách đồng bộ mới để người trẻ không mất niềm tin và không thay đổi quan niệm về gia đình và sinh con.
Nếu ngay bây giờ chúng ta xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững giai đoạn 2025-2045 thì Việt Nam có thể vừa đạt mục tiêu là nước thu nhập cao vào năm 2045, vừa đạt mục tiêu là quốc gia có nhân lực phát triển bền vững thời kỳ sau năm 2045 đến cuối thế kỷ 21. Không có một chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững như vậy bây giờ thì áp lực tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn tới suy thoái lao động và dân số, nguy cơ tự tiêu vong sau khoảng 500 năm luôn hiện hữu như thực tế mà Nhật Bản và Hàn Quốc đang trải qua.
Theo nhandan.vn