Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế lần thứ nhất-năm 2023 vừa diễn ra tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã mở ra cánh cửa hội nhập, giao lưu, chia sẻ, đồng hành giữa các đơn vị nghệ thuật, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam và các nước; đồng thời, góp phần tạo tiền đề đưa Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung trở thành điểm đến mới của nghệ thuật biểu diễn thế giới.
Một tiết mục của các nghệ sĩ quốc tế trong Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế lần thứ nhất tại Phan Thiết, Bình Thuận.
Mang chủ đề “Kết nối sáng tạo”, Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế là điểm hẹn nghệ thuật đặc biệt của hơn 300 chuyên gia, nghệ sĩ, diễn viên đến từ gần 30 quốc gia, trong đó có 7 đoàn nghệ thuật quốc tế và Việt Nam, mang đến cơ hội để đông đảo người dân, du khách được tiếp cận, làm quen với nhiều nền văn hóa nghệ thuật trên thế giới.
Ngoài không gian chính là sân khấu trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, lễ hội còn có các sân khấu cộng đồng phục vụ liên tục nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như: Biểu diễn đường phố, hòa nhạc hòa bình thế giới, diễu hành nghệ thuật, trình diễn nhạc giao hưởng, đại nhạc hội; các hoạt động tập huấn kỹ năng chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn dành cho các nghệ sĩ trẻ, học sinh, sinh viên quan tâm.
Tham dự lễ hội, bên cạnh việc thưởng thức những chương trình nghệ thuật giàu bản sắc được biểu diễn bởi các đơn vị nghệ thuật trong nước: Nhà hát Múa rối Việt Nam (Hà Nội), Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (Bình Thuận), Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (Thành phố Hồ Chí Minh); công chúng còn được đắm mình trong không gian nghệ thuật giàu mầu sắc của các tiết mục do các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật quốc tế thể hiện như: Múa hình thể truyền thống Mông Cổ, biểu diễn sáo của nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Rahul Das (Banglades), múa truyền thống và đương đại Philippines...
Tiết mục trên đường phố trong Lễ hội nghệ thuật biểu diễn quốc tế tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). |
Thu hút sự tham gia, hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo du khách, người dân, nhất là công chúng trẻ, Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế lần thứ nhất không chỉ tạo nên điểm sáng cho Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, mà còn ghi được nhiều thiện cảm, ấn tượng đẹp từ các nghệ sĩ quốc tế, tạo cơ sở cho những mối quan hệ hợp tác bền vững trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Tổng Giám đốc Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI) Tobias Biancone chia sẻ: “Đã có cơ hội được đến Việt Nam nhiều lần, tôi luôn ngạc nhiên về cách các nghệ sĩ Việt Nam sử dụng cội nguồn văn hóa, cách họ bảo tồn, thổi vào đó những làn gió mới và mang những khía cạnh văn hóa đó đến với cộng đồng. Lễ hội nghệ thuật lần này được tổ chức ở Bình Thuận đã mở ra cánh cửa để các buổi biểu diễn của các quốc gia khác đến Việt Nam.
Điều này cũng giúp các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam có cơ hội đến với quốc tế, đem tới sự ngưỡng mộ cho cộng đồng và cá nhân trên toàn cầu”. ITI đánh giá cao sự thành công của lễ hội và coi đây là mô hình tiêu biểu để đưa nghệ thuật biểu diễn tiếp cận sâu rộng tới các cộng đồng cư dân bản địa trên khắp hành tinh, tạo nên một không gian sáng tạo chuyên nghiệp, cởi mở cho các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn.
Bà Christine Schmalor, Giảng viên sân khấu, Đạo diễn chương trình tại Viện Đào tạo Sân khấu Thế giới AKT-ZENT, trung tâm nghiên cứu thuộc ITI bày tỏ: “Bảy ngày vừa qua ở Việt Nam là bảy ngày tuyệt vời của cuộc đời tôi. Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế đã mang đến cơ hội quý giá để tất cả chúng tôi được gặp gỡ, học hỏi, kết nối, chia sẻ giá trị về nghệ thuật biểu diễn. Tôi nhận thấy người dân Việt Nam rất yêu nghệ thuật. Đất nước của các bạn cũng rất tươi đẹp và sống động. Có những vẻ đẹp mà đôi khi chính những người dân bản địa không nhận thấy nhưng lại vô cùng cuốn hút những vị khách nước ngoài như chúng tôi. Vì thế, hãy cố gắng gìn giữ những gì là nguyên bản, là bản sắc của văn hóa nước mình và sáng tạo nên những điều mới mẻ cho văn hóa, cho nền nghệ thuật biểu diễn đất nước thay vì nhập khẩu những thứ đã trở nên thương mại hóa từ nước ngoài”.
Ông Lê Quý Dương (áo đỏ), tác giả-đạo diễn Lễ hội nghệ thuật biểu diễn quốc tế 2023 tại Bình Thuận cùng các nghệ sĩ, nhà quản lý, nghiên cứu nghệ thuật các nước. |
Theo tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác sân khấu quốc tế của ITI, ý tưởng tổ chức Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế đã được ông nhen nhóm từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Bên cạnh mục tiêu quảng bá, thu hút du khách đến với Bình Thuận, lễ hội còn muốn dùng nghệ thuật biểu diễn làm cầu nối để kết nối các nền văn hóa, tạo không gian để các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam và thế giới có thể lắng nghe nhau, chia sẻ kinh nghiệm, tạo nên những tác phẩm, giá trị văn hóa mới, từ đó có thể xây dựng những chương trình nghệ thuật kết hợp giữa các quốc gia, rút ngắn khoảng cách về văn hóa giữa các nước trong một thế giới đang có nhiều khủng hoảng.
Dự kiến, Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế sẽ được tổ chức định kỳ hai năm một lần, góp phần đặt nền móng để Việt Nam trở thành điểm đến có uy tín của nghệ thuật biểu diễn thế giới.
Hiến kế để Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu về nghệ thuật biểu diễn, Tiến sĩ Israfil Shaheen, giảng viên, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Sân khấu biểu diễn, Đại học Dhaka (Bangladesh) cho rằng: Việt Nam nên tổ chức nhiều lễ hội nghệ thuật quy mô lớn, bởi lễ hội là không gian biểu diễn rộng mở, nơi nhiều đối tượng công chúng, du khách có thể tham dự vào các hoạt động trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Lễ hội nghệ thuật khác hoàn toàn những buổi biểu diễn trong nhà hát (không gian đóng, có bán vé và chỉ phục vụ cùng một lúc vài trăm người). Với khả năng tích hợp đa dạng nhiều nội dung biểu diễn, thu hút đông người tham dự và tạo sức lan tỏa lớn, các festival nghệ thuật có thể mang đến những góc nhìn khác nhau về nghệ thuật, giúp mỗi người tiếp nhận và thu về những giá trị riêng.
Ông Alvaro A.Franco R, diễn viên và là nhà sản xuất chương trình nghệ thuật đến từ Colombia chia sẻ: “Việt Nam cần tạo điều kiện để mọi người cùng được tham gia vào các festival nghệ thuật, nhất là giới trẻ. Ở Colombia, chúng tôi đầu tư vào lớp trẻ từ những cấp học rất nhỏ nhằm xây dựng thị hiếu nghệ thuật cho khán giả, từng bước hình thành cộng đồng khán giả và cũng để xây dựng lớp nghệ sĩ tương lai cho nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, cũng nên đẩy mạnh hợp tác công tư, cả chính phủ và doanh nghiệp tư nhân cần cùng chung tay đầu tư cho phát triển nghệ thuật”.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật của các nước khi tham gia Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế lần thứ nhất, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam nên tập trung đầu tư cho thế hệ nghệ sĩ tương lai, cùng với đó là đầu tư cho hợp tác nghệ thuật, tạo ra những đối thoại nghệ thuật ở tầm quốc tế và quan trọng là dựa vào nội lực văn hóa của chính mình để xây dựng những chương trình nghệ thuật mang tính bản sắc, thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dua-viet-nam-tro-thanh-diem-den-cua-nghe-thuat-bieu-dien-the-gioi-post787988.html