Kết thúc cuộc diễn tập của Quân đoàn 12, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ hài lòng về tính ưu việt của áo trang bị K23 mà bộ đội mang mặc. Đây là sản phẩm do Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nghiên cứu, sản xuất.
Sau khi được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng đánh giá kết quả (tháng 11-2023), tại cuộc diễn tập của Quân đoàn 12, lần đầu tiên áo trang bị K23 được trang bị cho chiến sĩ, giúp bộ đội cơ động linh hoạt trong thực hành tác chiến. Binh nhất Hà Văn Chung, thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12, cho biết: "Quá trình huấn luyện tại đơn vị, chúng tôi phải mang, đeo nhiều trang bị, như: Cuốc, xẻng, bình tông nước, mặt nạ phòng độc, hộp đựng cơm, túi đựng bản đồ, túi đựng bộ đàm, bao xe đựng hộp tiếp đạn, lựu đạn... nên khi cơ động gặp nhiều khó khăn do lỉnh kỉnh, vướng víu; lấy các trang bị mất nhiều thời gian và dễ nhầm lẫn. Áo trang bị K23 đã khắc phục được những hạn chế trên, giúp bộ đội linh hoạt trong tác chiến".
Áo trang bị K23 giúp chiến sĩ Quân đoàn 12 nâng cao tính cơ động, linh hoạt trong diễn tập. Ảnh: HẢI HUY
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lợi, Phó giám đốc Nhà máy Z176, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới, nhóm nghiên cứu do Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó trưởng phòng Kế hoạch-Kinh doanh, Trưởng ban Nghiên cứu, phát triển sản phẩm Nhà máy Z176 làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành khảo sát tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3)-đơn vị được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chọn làm trước để rút kinh nghiệm cho toàn quân về thực hiện biểu tổ chức biên chế mới của sư đoàn bộ binh (thời bình) được biên chế hỏa lực mạnh; đồng thời tham khảo một số mẫu của quân đội nước ngoài để ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thiết kế, sử dụng vật liệu mới, tích hợp được nhiều tính năng nổi bật.
Với trọng lượng khoảng 1,6kg, thân trước và thân sau của áo trang bị K23 đựng các tấm giáp cứng và tấm giáp mềm, liên kết với nhau bằng nhám dính trên vai và cụm khóa an toàn hai bên thân áo. Thân trước chứa được 3 băng đạn STV, 6 viên đạn SPL-40, một lưỡi lê hoặc dao găm và một máy thông tin. Thân sau túi đựng súng SPL-40, túi đựng xẻng, cuốc bộ binh hoặc đa năng, túi phụ tùng SPL, mặt nạ phòng hóa, túi phụ tùng STV, túi đựng bình tông nước, áo mưa...
Với những tính năng ưu việt như: Giúp bộ đội dễ dàng mang mặc, gọn gàng, thuận tiện trong sử dụng các loại vũ khí, trang bị cá nhân, bảo đảm tính linh hoạt, cơ động trong huấn luyện, chiến đấu; đặc biệt là góp phần bảo vệ chiến sĩ nhờ các tấm giáp. Sau khi kiểm tra chiến sĩ sử dụng áo trang bị K23 tại cuộc diễn tập, bắn đạn thật của Quân đoàn 12 và các lực lượng phối thuộc, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại áo tích hợp trang bị cho các lực lượng lục quân, hải quân, phòng không-không quân, biên phòng... đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội trong tình hình mới.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, là doanh nghiệp quốc phòng nòng cốt, Nhà máy Z176 có nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm quốc phòng, như: Khí tài, mô hình ngụy trang, nghi trang và các mặt hàng kinh tế xuất khẩu. Thời gian qua, Nhà máy tích cực, chủ động nghiên cứu nhiều sản phẩm mới; đẩy mạnh tự động hóa và ứng dụng công nghệ mới trong triển khai một số nhiệm vụ quốc phòng quan trọng. Ngoài áo trang bị K23, bộ quần áo ngụy trang ảnh nhiệt được Nhà máy nghiên cứu chế tạo xuất phát từ thực tiễn tác chiến hiện đại, các thiết bị trinh sát ảnh nhiệt của đối phương dễ dàng phát hiện ra người và phương tiện chiến đấu khi có sự chênh lệch nhiệt độ so với môi trường. Qua nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực điện tử, radar, Nhà máy Z176 đã sản xuất thành công bộ quần áo ngụy trang ảnh nhiệt, hạn chế khả năng của trinh sát đối phương. Hiện nay, bộ quần áo này đã được sản xuất hàng loạt.
Theo qdnd.vn