Thái Nguyên tìm cách khai thác sự kỳ bí của hang động Mỏ Gà

Chủ nhật, 25.08.2024 | 15:07:47
527 lượt xem

Nằm bên Quốc lộ 1B, thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), tại khu vực Di tích lịch sử-văn hóa-danh lam thắng cảnh hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang động Mỏ Gà nằm trong lòng núi đá dài hàng nghìn mét, rộng lớn, hình thù nhũ đá, cảnh quan kỳ bí, hấp dẫn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, chính quyền huyện Võ Nhai đang tìm cách khai thác du lịch mạo hiểm hang động này.

Chuyên gia hang động tiến hành đo đạc hang Mỏ Gà trong lần khảo sát chuyên sâu.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã hai lần mời nhóm chuyên gia hang động người Anh và đơn vị chuyên về du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure tiến hành khảo sát, khảo sát chuyên sâu hang động Mỏ Gà với các công cụ, thiết bị chuyên dụng, phát hiện nhiều điều rất thú vị.

Mỏ Gà là hang động nước chảy ra từ trong lòng núi, bước đầu xác định từ cửa hang vào sâu khoảng 1.800m, trong đó có một nhánh phụ lên Lạng Sơn và nhiều nhánh nhỏ trong lòng núi. Trong hang chính, có điểm thắt lại, tiến vào nhiều khu vực rộng lớn, vòm đá cao, nhiều nhũ đá rất đẹp.

Có đoạn khoảng 2m phải lặn qua thấy trần hang cao rộng, bên dưới hang là hồ nước trong xanh với những thác nước nhỏ và các thạch nhũ hình thù đa dạng, giống như măng đá, thạch nhũ, trụ đá, san hô động….rất đẹp để chụp hình.

Vào sâu bên trong, hang chia ra hai nhánh chính, trong hai nhánh chính có những nhánh phụ.

Những nhánh phụ khá đa dạng, có những nhánh phụ là những bãi cát rộng và có các trụ đá cao đẹp.

Thái Nguyên tìm cách khai thác sự kỳ bí của hang động Mỏ Gà ảnh 1

Quang cảnh đẹp trong hang động Mỏ Gà.

Nhóm chuyên gia hang động càng ngỡ ngàng về vẻ đẹp khi tiến vào sâu trong hang động Mỏ Gà, càng vào sâu trong hang có dòng suối ngầm, có một loài cá màu trắng tuyết có kích thước to mà nhóm chuyên gia chưa từng thấy.

Nhánh bên trái hướng Lạng Sơn chưa đo đạc, nhưng nhóm chuyên gia hang động cho rằng, đây có thể là nhánh dẫn đến cửa sau, nhánh này khá dài, đẹp, có những luồng gió có thể là từ cửa sau thổi vào.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên có kế hoạch khảo sát chuyên sâu nhánh hướng Lạng Sơn thời gian tới. Sau các đợt khảo sát, nhóm chuyên gia tiến hành lập bản đồ hang động Mỏ Gà, hoàn thiện các dữ liệu thu thập được.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: “Đây là một hang động có nước chảy dài và đẹp, có tiềm năng lớn để mở tour du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đánh giá toàn diện hang Mỏ Gà, đề xuất cơ quan chức năng, đơn vị chuyên khai thác du lịch hang động ở tỉnh Quảng Bình lập chi nhánh tại Thái Nguyên để nghiên cứu, có phương án phù hợp khai thác du lịch mạo hiểm hang Mỏ Gà”.

Hang Mỏ Gà về cơ bản vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, ít có sự tác động của con người, các thạch nhũ, đá, các loài cá chưa bị xâm hại, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách.

Hang Mỏ Gà về cơ bản vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, ít có sự tác động của con người, các thạch nhũ, đá, các loài cá chưa bị xâm hại, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách.

Điều rất thuận lợi là bên ngoài cửa hang động Mỏ Gà là Khu du lịch sinh thái hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà, nằm kế bên quốc lộ 1B, chỉ cách thành phố Thái Nguyên hơn 40km.

Nếu hang động Mỏ Gà được tổ chức khai thác một cách bài bản, sẽ là sản phẩm du lịch mạo hiểm hấp dẫn, mà không nhiều nơi có được, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thai-nguyen-tim-cach-khai-thac-su-ky-bi-cua-hang-dong-mo-ga-post826667.html

  • Từ khóa