Các chuyên gia bàn luận về an ninh lương thực Việt Nam

Thứ 6, 30.08.2024 | 14:51:11
447 lượt xem

Ngày 30/8, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “An toàn thực phẩm và An ninh lương thực” lần 8 năm 2024.

Các đại biểu tham quan các poster trưng bày tại hội thảo.

Sự kiện thu hút khoảng 500 đại biểu, bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh lương thực, giảng viên, học viên cao học, sinh viên, và đại diện các doanh nghiệp.

Hội thảo đã nhận được hơn 110 bài tham luận từ 300 tác giả đến từ 50 đơn vị. Các tham luận tập trung nghiên cứu mới về vấn đề nông nghiệp, thực phẩm và an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, tình hình an ninh lương thực trong và ngoài nước trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích định hướng phát triển lương thực bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số và lập kế hoạch hợp tác nghiên cứu về các chủ đề liên quan; thực trạng và vấn đề về sản xuất thực phẩm và xu hướng nhu cầu tiêu dùng, sử dụng thực phẩm hiện nay.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nhiều loại lương thực, thực phẩm không những đáp ứng được nhu cầu ở trong nước, mà còn xuất khẩu với khối lượng lớn, đứng thứ hạng cao trên thế giới.

Sản xuất lúa đã dịch chuyển theo hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất và chất lượng gạo để phù hợp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, diện tích và sản lượng lương thực của Việt Nam trong những năm gần đây không ngừng tăng lên.

Nhà nước đã quy hoạch đất trồng lương thực, chủ yếu là lúa, nhằm bảo đảm khả năng tự cung lương thực. Mục tiêu mà các chính sách đặt ra là giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm sản lượng 32-41 triệu tấn lúa/năm, đủ đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo/năm.

Các chuyên gia bàn luận về an ninh lương thực Việt Nam ảnh 2

Quang cảnh hội thảo.

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích mở rộng diện tích và sản lượng các loài cây lương thực khác và rau màu; quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm các hệ thống thủy lợi, hệ thống đường bộ, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong nông nghiệp nói chung và cây lương thực nói riêng…

Các vùng sản xuất lương thực hàng hóa lớn tập trung ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long cung cấp lúa gạo hàng hóa cho cả nước và xuất khẩu.

Đó là dấu hiệu cho thấy nền nông nghiệp hàng hóa lớn đã và đang hình thành. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất lương thực hàng hóa gắn với xuất khẩu được áp dụng rộng rãi

Hội đồng khoa học đã chọn 47 poster về an ninh thực phẩm và 64 poster khoa học-công nghệ thực phẩm để trình bày tại hội thảo tại hội thảo. Các poster này cung cấp những nghiên cứu và giải pháp khoa học nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cac-chuyen-gia-ban-luan-ve-an-ninh-luong-thuc-viet-nam-post827655.html

  • Từ khóa