Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 9

Chủ nhật, 01.09.2024 | 09:11:36
340 lượt xem

Quy định mới về số lượng cấp phó, tính toán giá bán điện bình quân, quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tắt sóng di động 2G và thang lương, bảng lương với người lao động, có hiệu lực từ tháng 9.

Quy định mới về số lượng cấp phó

Nghị định số 83/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2016 (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ), Nghị định số 10/2016 và Nghị định số 120/2020 (quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập) có hiệu lực từ ngày 1/9.

Quy định mới nêu rõ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu Chi cục, bảo đảm bình quân không quá 3 người/Chi cục khi Chi cục đáp ứng một trong các tiêu chí theo quy định.

Vụ thuộc Tổng cục có từ 15-20 biên chế công chức, Cục (trừ Cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc Tổng cục có dưới 4 tổ chức được bố trí không quá 2 cấp phó.

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 9 - 1

Trụ sở Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) ở Hà Nội (Ảnh minh họa: VGP).

Vụ thuộc Tổng cục có trên 20 biên chế công chức; Cục (trừ các Cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc Tổng cục có từ 4 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người/đơn vị.

Các trường phổ thông có nhiều cấp học mà có từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá 3 Phó hiệu trưởng; với các trường còn lại, số lượng hiệu phó tối đa 2 người.

Quy định tính toán giá bán điện bình quân

Thông tư số 09/2024 của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân (theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024 của Thủ tướng Chính phủ), áp dụng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên có hiệu lực từ 14/9.

Giá bán điện bình quân hàng năm và trong năm sẽ được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí điều hành, quản lý ngành trong giá bán điện bình quân...

Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu: Phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối - bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức.

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 9 - 2

Nhân viên EVN hướng dẫn khách hàng cài App CSKH (Ảnh: Trường Thịnh).

Cục Điều tiết điện lực được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do EVN xây dựng, điều chỉnh theo Quyết định số 05/2024.

Quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường

Thông tư số 57/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường.

Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định.

Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại.

Định kỳ 6 tháng (trước ngày 31/7 của năm báo cáo và ngày 31/3 của năm sau năm báo cáo), bên nhận ký quỹ phải gửi thông báo số dư ký quỹ và tiền lãi ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ. Đối với báo cáo năm, bên nhận ký quỹ phải gửi kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ phải được thuyết minh chi tiết tình hình tăng, giảm trong báo cáo tài chính hàng năm của bên nhận ký quỹ.

Việc kiểm toán, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực từ 14/9.

Thang lương, bảng lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Thông tư số 06/2024 của Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực từ ngày 15/9 sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại thông tư này.

Căn cứ vào tổ chức bộ máy quản lý của công ty, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty xây dựng ban hành bảng lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng) bảo đảm quy định, làm căn cứ để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác đối với người quản lý, kiểm soát viên chuyên trách theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong bảng lương của người quản lý, kiểm soát viên chuyên trách do hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định.

Lộ trình dừng công nghệ di động 2G

Lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra tại Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT.

Cụ thể, hệ thống thông tin di động tiêu chuẩn GSM (hệ thống 2G) hiện có được cấp lại giấy phép băng tần 900Mhz, 1800MHz tại thời điểm tháng 9/2024 khi đáp ứng điều kiện gồm: Kể từ ngày 16/9, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Hệ thống 2G được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 9 - 3

Lộ trình tắt sóng 2G (Ảnh: Bộ TT-TT).

Để đảm bảo các hoạt động thông tin, liên lạc được thông suốt, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn (hỗ trợ kinh phí mua máy điện thoại 4G và ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi, thực hiện đến 16/9).

Các doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không có chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G và hoàn thành trước tháng 9/2026. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-chinh-sach-dang-chu-y-co-hieu-luc-tu-thang-9-20240831144842611.htm

  • Từ khóa