Các trường học biên giới tỉnh Quảng Bình sẵn sàng đón năm học mới

Thứ 3, 03.09.2024 | 08:45:22
522 lượt xem

Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các trường học ở địa bàn biên giới thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực hoàn tất mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng đón các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bước vào năm học mới.

Nghỉ hè ít hơn để chuẩn bị cho năm học mới

Mặc dù đã cuối tháng 8 nhưng ở thung lũng Rục Làn trời vẫn nắng gắt và đứng gió. Tiết trời khó chịu khiến người dân ngại ra khỏi nhà. Sau bữa trưa vội vàng, những cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH-THCS) Thượng Hóa, huyện Minh Hóa tranh thủ thời gian vào tận các bản để đón học sinh. Cô giáo Đinh Thị Thu Hằng giải thích: "Lần đầu tiên nhà trường thực hiện thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Vì vậy, giáo viên phải lên lớp để truyền đạt thêm kiến thức cho các em học sinh. Nếu không đến từng nhà vận động phụ huynh, đưa đón các cháu đến trường, chắc chắn không đủ học sinh để dạy".

Các trường học biên giới tỉnh Quảng Bình sẵn sàng đón năm học mới
Trường TH-THCS Thượng Hóa trao sách tặng các em học sinh trước thềm năm học mới. 

Kỳ nghỉ hè của thầy cô Trường TH-THCS Thượng Hóa năm nay chỉ kéo dài đến hết tháng 7. "Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, từ ngày 1-8, toàn bộ giáo viên có mặt tại nhà trường để tập huấn, cập nhật thêm kiến thức, chuẩn bị giáo án, bài giảng. Cùng với đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên các thầy, cô phải dành nhiều thời gian để tu sửa, củng cố", thầy Phan Thế Dũng, hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Năm học này, bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) có 12 học sinh vào lớp 1, tất cả các cháu đều là người Rục (dân tộc Chứt). Hơn nửa tháng nay, cô giáo Cao Thị Loan hằng ngày có mặt tại điểm trường bản Mò O Ồ Ồ để trực tiếp hướng dẫn học sinh ghép chữ, đánh vần, làm toán... "Đầu giờ chiều mới bắt đầu vào giờ học nhưng từ sáng, tôi đã đến trường để chuẩn bị phòng học, sau đó đến từng nhà đón các em. Mặc dù đã qua bậc mầm non, làm quen với mặt chữ nhưng vì rào cản ngôn ngữ, khả năng giao tiếp còn rất hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức của các em mất nhiều thời gian", cô Cao Thị Loan chia sẻ.

Ngoài điểm trường chính tại bản Yên Hợp, Trường TH-THCS Thượng Hóa còn có hai điểm trường lẻ ở bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ. Trường có 14 lớp học, trong đó 10 lớp bậc tiểu học (5 lớp ghép), 4 lớp bậc trung học cơ sở với tổng 161 học sinh (trong đó có 159 học sinh người Rục và người Sách thuộc dân tộc Chứt). Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, Trường TH-THCS Thượng Hóa đã nỗ lực vượt khó vươn lên và đạt nhiều thành tích trong công tác giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa thật sự đồng bộ, một số phòng học đã xuống cấp nên ảnh hưởng đến công tác đổi mới phương pháp dạy và học.

Tại xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, những ngày này, thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Dân Hóa đang tất bật để chuẩn bị cho năm học mới. Toàn trường có tổng số 601 học sinh học tập ở 27 lớp. Ngoài điểm trường chính, cấp tiểu học còn có 4 điểm trường lẻ, gồm: Ba Loóc, Hà Nôông-Tà Rà; Ka Định và Tà Leng. Nhiều năm "cắm bản" ở điểm trường Ba Loóc, thầy Đinh Văn Cường chia sẻ: "Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên người dân chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình. Ngoài ra, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, dạy và học của nhà trường".

Tiếp sức cho trẻ đến trường

Trước thềm năm học mới, các điểm trường ở Rục Làn khang trang, rực rỡ cờ hoa, băng rôn... chào đón các em học sinh tựu trường. "Để tạo không khí ấn tượng, vui tươi ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để vệ sinh trường lớp, trồng thêm cây xanh, sửa chữa bàn ghế, làm mới đồ dùng, dụng cụ học tập. Cùng với đó, sách, vở, áo quần đồng phục đã được chuẩn bị đầy đủ để cấp phát cho học sinh. Tất cả đã sẵn sàng chờ tiếng trống khai giảng", thầy Nguyễn Văn Mẵn, giáo viên Trường TH-THCS Thượng Hóa hào hứng.

Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, Trường TH-THCS Thượng Hóa đón nhận nhiều tình cảm, sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Gần đây, Đồn Biên phòng Cà Xèng (BĐBP tỉnh Quảng Bình) phối hợp với đơn vị đồng hành tổ chức khánh thành, bàn giao Nhà tình nghĩa, đồng thời trao nhiều phần quà thiết thực (tổng kinh phí 100 triệu đồng) tặng hai anh em ruột: Cao Xuân Lê (lớp 9) và Cao Thị Nhi (lớp 6) ở bản Mò O Ồ Ồ. Đây là hai học sinh người Rục mồ côi cả bố và mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. "Không chỉ quản lý, bảo vệ bình yên biên giới, cuộc sống cho nhân dân, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai... Đồn Biên phòng Cà Xèng còn luôn đồng hành với thầy, cô giáo, đặc biệt là các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các mô hình, dự án: "Con nuôi đồn biên phòng”, “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Nhờ các anh mà học sinh người Rục, Mày có cơ hội được đến trường học hành, trong đó có nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học", thầy Phan Thế Dũng tự hào cho hay.

Tại xã biên giới Dân Hóa, nhiều phụ huynh đã đến các điểm trường cùng thầy, cô giáo sắp đặt lại phòng học, vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây xanh, làm hàng rào bằng tre nứa... Theo thầy giáo Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Dân Hóa, được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (BĐBP tỉnh Quảng Bình), đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 đã hoàn tất.

Thượng tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thông tin, hiện tại, đơn vị đang nhận hai em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm "Con nuôi đồn biên phòng”; nhận đỡ đầu 6 em học sinh trong Chương trình "Nâng bước em tới trường", 34 em học sinh trong Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Trước thềm năm học 2023-2024, đơn vị đã trao nhiều phần quà tặng các em học sinh như xe đạp, sách vở, quần áo đồng thời tổ chức Chương trình "Biên cương vui hội trăng rằm" rất thiết thực, ý nghĩa với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Phát huy kết quả đó, năm nay, chúng tôi đã kết nối với các đơn vị đồng hành để tổ chức nhiều hoạt động thật sôi nổi, ý nghĩa trong dịp khai giảng, qua đó kịp thời động viên, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các thầy, cô giáo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong công tác giáo dục, đào tạo", Thượng tá Ngô Anh Tuấn phấn khởi cho biết.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/cac-truong-hoc-bien-gioi-tinh-quang-binh-san-sang-don-nam-hoc-moi-792076

  • Từ khóa