Khai thác di sản phục vụ du lịch văn hóa-tâm linh ở Bắc Giang

Thứ 4, 04.09.2024 | 08:28:07
454 lượt xem

Sở hữu hơn 100 di tích cấp quốc gia, năm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 600 di tích cấp tỉnh, Bắc Giang đang khai thác lợi thế tài nguyên di sản, văn hóa để phát triển du lịch văn hóa-tâm linh.

Giới thiệu về giá trị của các mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử, trở thành điểm nhấn cốt lõi của du lịch địa phương và bước đầu hình thành sản phẩm du lịch "Con đường hoằng dương phật pháp của các sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử".

Với mục tiêu cụ thể được đề ra trong Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Giang đã và đang hình thành, khai thác không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với "Con đường hoằng dương phật pháp của các sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử" (huyện Sơn Ðộng, Lục Nam, Yên Dũng).

Tuy đang trong giai đoạn hai hoàn thiện về hạ tầng dịch vụ, nhưng khu du lịch sinh thái-tâm linh Tây Yên Tử đã thu hút đông đảo du khách về tham quan, hành hương. Thương hiệu du lịch "Về miền đất thiêng Tây Yên Tử" được định hình trong ba năm gần đây, đã trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh.

Bên cạnh đó, lễ hội Xuân Tây Yên Tử gắn với Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang tổ chức dịp đầu năm với nhiều hoạt động phong phú, là sản phẩm tiêu biểu góp phần quảng bá và định vị thương hiệu du lịch tỉnh thời gian qua.

Với lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang xúc tiến kết nối tour, tuyến với các công ty lữ hành ở Thủ đô; xây dựng, khai trương sản phẩm du lịch Hà Nội-Tây Yên Tử. Ðồng thời, các tour, tuyến du lịch nội địa và liên tỉnh (Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh) cũng đã bắt đầu hình thành phục vụ du khách, cụ thể Hà Nội-thành phố Bắc Giang-Lục Nam-Lục Ngạn-Sơn Ðộng-Quảng Ninh; Hà Nội-thành phố Bắc Giang-Yên Dũng-Côn Sơn, Kiếp Bạc- Hải Dương...

Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Ðộng, tỉnh Bắc Giang, nằm ở sườn tây của dãy núi Yên Tử đang được xây dựng nhằm tái hiện con đường hoằng dương phật pháp của các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tây Yên Tử nằm trên địa phận bốn huyện Sơn Ðộng, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng; gắn liền với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm.

Theo điều tra, nghiên cứu, dọc sườn tây Yên Tử còn hơn 130 di tích liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào cuối thế kỷ 13. Trước tiềm năng to lớn về du lịch văn hóa tâm linh, Bắc Giang đã xác định xây dựng con đường "tâm linh" Tây Yên Tử kéo dài từ thành phố Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Ðộng. Ðiểm nhấn dọc theo con đường này là tham quan các điểm di tích lịch sử như chùa Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn-Kiếp Bạc và khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) được xây dựng thời nhà Lý thế kỷ 11, đến thế kỷ 13 được Phật hoàng Trần Nhân Tông mở mang. Tại đây đang lưu giữ kho mộc bản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Di tích này hiện là điểm du lịch cấp tỉnh thu hút đông đảo khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái, lễ Phật.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Trương Quang Hải cho biết: Trong năm di tích cấp quốc gia đặc biệt của tỉnh, chùa Vĩnh Nghiêm là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và chùa Bổ Ðà là trung tâm Phật giáo của tỉnh Bắc Giang thuộc thiền phái Lâm Tế. Hai di tích trọng điểm này được tỉnh tập trung bảo tồn, khai thác, phát huy các yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan... để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Tỉnh tập trung xây dựng bốn sản phẩm du lịch chủ lực, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa-tâm linh. Việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh được các sở, ngành phối hợp các địa phương triển khai nhiều giải pháp, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 112-NQ/TU, bước đầu xây dựng hình thành sản phẩm du lịch "Con đường hoằng dương phật pháp của các sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên tử", là điểm nhấn cốt lõi của du lịch Bắc Giang.

Với lợi thế là một trong 10 tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa, một trong ba tỉnh có nhiều di tích xếp hạng nhiều nhất cả nước, trong đó có năm di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh... tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa, du lịch.

Tổng số khách du lịch từ năm 2021 đến nay đạt khoảng 5,6 triệu lượt (đạt 187% so với mục tiêu Nghị quyết, kế hoạch đề ra); sáu tháng đầu năm 2024 tỉnh đón được khoảng 1,8 triệu lượt khách du lịch.

Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, khu du lịch sinh thái-tâm linh Tây Yên Tử và sản phẩm du lịch "Con đường hoằng dương phật pháp của các sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử" sẽ kết nối hệ thống danh lam thắng cảnh của tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh, tạo thành tuyến liên kết phát triển du lịch.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân ba tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh đang hoàn thiện hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc", trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ðoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã đến thẩm định thực địa tại ba tỉnh. Theo lộ trình, đầu năm 2026, khi được UNESCO ghi danh, đây sẽ là cơ sở và là một trong những tiềm năng để thúc đẩy du lịch tỉnh vùng Tây Yên Tử gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/khai-thac-di-san-phuc-vu-du-lich-van-hoa-tam-linh-o-bac-giang-post828355.html

  • Từ khóa