Chủ động ứng phó nguy cơ sạt, lở đất

Thứ 4, 25.09.2024 | 09:20:16
380 lượt xem

Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão số 3, số 4, nhiều khu vực dân cư ở hai tỉnh Bắc Kạn và Quảng Trị có nguy cơ cao sạt lở đất, đe doạ tính mạng người dân. Hiện cơ quan chức năng hai địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó…

Các chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Kạn giúp người dân xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông khắc phục hậu quả sạt, lở đất. (Ảnh THÙY DƯƠNG)

Sau cơn bão số 3, hàng trăm hộ dân ở Bắc Kạn đã phải di dời khẩn cấp, cuộc sống nơi ở tạm rất khó khăn. Trong khi đó, tại nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn, xuất hiện thêm các vị trí nguy cơ sạt lở mới, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nỗi lo mới tại nơi ở tạm

Màn đêm đã buông xuống, trong khu đình chợ xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), bà Ma Thị Lanh, thôn Nà Pha cẩn thận trải lại tấm chiếu cói trên chiếc giường đưa từ nhà cũ sang. Khu đình chợ có mái chắc chắn, nền bê-tông nhưng chung quanh thì trống, được quây tạm bằng bạt dứa.

Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn thì dễ ngủ, còn người lớn thì thao thức vì không biết sẽ còn phải ở tạm bợ thế này bao lâu, làm nhà mới thế nào. Bà Lanh nghẹn lời: "Mặt đất nứt rồi đồi nứt, nhà cũng có chỗ nứt, chúng tôi không dám ở nhà nữa. Đi ra đây không mang theo được gì nhiều, chỉ mong thiên tai sớm qua đi". Sát đó, chỗ ngủ của bà La Thị Thương ngổn ngang đồ đạc. Những đứa trẻ học bài trên những chiếc giường được vận chuyển từ nhà cũ về.

Trưởng thôn Nà Pha Lý Văn Hiệp cho biết: "Thôn có 80 hộ dân. Sau cơn bão số 3, thấy mưa kéo dài, chúng tôi đã đi kiểm tra những nơi có nguy cơ sạt lở thì phát hiện các vết nứt trên đồi. Một số hộ dưới chân đồi còn thấy hiện tượng nứt nền, nứt tường nhà. Tổng cộng có 36 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp để tránh sạt lở".

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Đồn Đặng Đình Phong, huyện đã khẩn cấp di dời các hộ dân đến nơi ở tạm an toàn. Chính quyền bố trí các hộ ở tạm nhà người thân, khu đình chợ Đồng Lạc, đồng thời kiến nghị tỉnh xây dựng nơi ở mới cho các hộ.

Không chỉ nhà dân, nhiều trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… cũng phải di dời khẩn cấp hoặc tiềm ần nguy cơ sạt lở đất rất cao. Từ ngày 10/9, ta-luy dương sau Trường mầm non xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn bắt đầu có hiện tượng sạt. Đến ngày 12/9, đất, đá bắt đầu sạt nhiều hơn. Hiện tại, trên đồi phía sau trường xuất hiện nhiều vết nứt và ngày càng mở rộng. Nguy cơ ngày càng lớn và việc di dời không thể chờ được nữa.

Toàn bộ các thầy, cô giáo cùng nhiều phụ huynh học sinh và lực lượng tại chỗ đã khẩn trương di dời tài sản, trang thiết bị học tập. Điểm bố trí tạm là Nhà văn hóa xã và Nhà họp thôn của thôn Bản Mạ và Bản Duồn. Theo Hiệu trưởng Hoàng Thị Mến, dù khó khăn nhưng nhà trường sẽ bắt tay vào việc dạy và học cho các em. Việc nấu ăn bán trú cho các cháu sẽ nhờ nhà cô nuôi ở gần khu vực đó và vận chuyển đến 3 điểm học tạm.

Trường mầm non Quảng Bạch được đầu tư trên diện tích 2.000 m2 tại thôn Khuổi Đăm. Trường vừa mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023 và cũng mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào đầu năm 2024. Với nguy cơ sạt lở cao này, cô và trò nhà trường sẽ còn phải đợi khắc phục khá lâu mới có thể quay trở lại dạy và học.

Bắc Kạn vốn là tỉnh có nguy cơ sạt lở cao và thường xuyên xảy ra sạt lở đất ở phía bắc. Thống kê sơ bộ trước cơn bão số 3 cho thấy, toàn tỉnh có 384 điểm với khoảng 1.900 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất đá, trong đó huyện Ba Bể 310 hộ, Chợ Đồn 276 hộ, Chợ Mới hơn 300 hộ, Pác Nặm hơn 370 hộ, Na Rì 284 hộ, Bạch Thông 155 hộ, thành phố Bắc Kạn 198 hộ. Khi hoàn lưu bão số 3 ảnh hưởng đã gây ra mưa kéo dài liên tục trong 5 ngày ở Bắc Kạn. Mưa kéo dài khiến đất ngấm no nước, lập tức hình thành những vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở mới.

Những ngày qua, người dân ở các Tổ 8A, 9, phường Phùng Chí Kiên và Tổ 16, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) tá hỏa phát hiện những vết nứt xuất hiện trên sườn đồi phía sau nhà. Xác định sơ bộ cho thấy, Tổ 8A có 11 hộ, trong đó có 3 hộ trực tiếp bị sạt lở; Tổ 9 ngõ 233 có 14 hộ, trong đó có 11 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp; Tổ 16 phường Sông Cầu có 20 hộ, trong đó có 11 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Thành phố Bắc Kạn đã thông báo, vận động hơn 20 hộ dân nằm sát ta-luy dương di dời người và tài sản đến nơi an toàn; vận động các hộ đến nhà người thân ở tạm. Đối với những hộ chưa có chỗ ở, hai phường bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân.

Còn tại huyện Chợ Mới, những ngày này nguy cơ sạt lở đất ngày càng hiển hiện tại những khu vực có dân cư sinh sống dưới chân ta-luy dương ở thị trấn Đồng Tâm. Tổ dân phố số 7 là nơi bị sạt lở nhiều nhất với chiều dài khoảng 200m, đe dọa đến 34 hộ dân đang sinh sống gần khu vực chân đồi. Theo Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới, hiện trên địa bàn có 35 điểm có nguy cơ sạt lở đất cao, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, trong đợt ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh có 10 nhà dân bị sập do sạt lở đất. Trong đợt mưa bão, tỉnh đã phải di dời khẩn cấp 325 hộ dân để tránh nguy cơ sạt lở. Sau khi bão tan, trên địa bàn đã xuất hiện 10 điểm dân cư sạt lở nguy hiểm ở thành phố Bắc Kạn, các huyện Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn và Na Rì đe dọa tới sự an toàn của 200 hộ với 807 nhân khẩu. Việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, có nơi ở mới an toàn sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí không nhỏ.

Chủ động đối phó các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao

Bước vào mùa mưa lũ năm nay, các cơ quan chức năng ở Quảng Trị đã rà soát, cảnh báo có hơn 66 khu vực tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Thực tế đó đặt ra cho tỉnh yêu cầu bức thiết về việc bổ sung những giải pháp phù hợp chủ động ứng phó thiên tai, trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường.

Để đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, năm 2018, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai và hoàn thành nhiệm vụ điều tra tổng thể nguy cơ sạt lở đất đá, trong đó tại Quảng Trị ghi nhận được nhiều khu vực có biểu hiện sạt lở và đã xảy ra sạt lở đất đá nguy hiểm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, năm 2024, trong khuôn khổ Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, Cục Địa chất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện nhiệm vụ điều tra xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ chi tiết 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đánh giá có 17 khu vực rủi ro sạt lở đất, tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa và 5 khu vực có rủi ro sạt lở đất, lũ quét, tập trung ở huyện Đakrông.

Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ của Cục Địa chất thực hiện, Quảng Trị đã rà soát, bổ sung thêm 17 khu vực rủi ro cao sạt lở đất và 27 khu vực rủi ro sạt lở đất, lũ quét, phần lớn nằm ở các khu có dân cư, tập trung ở huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Các vị trí điển hình như khu vực đồi núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa; tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn qua xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Các điểm này đều thuộc khu vực có độ dốc cao, khi có mưa lũ lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn.

Theo đồng chí Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị đã hoàn thiện việc rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh. Cập nhật Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh giai đoạn 2021-2025, có phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ sạt lở tương ứng với quy mô, mức độ nguy hiểm, bao gồm các phương án sớm di dời dân đến nơi an toàn.

Tinh thần làm việc là tập trung, quyết liệt, dứt điểm, không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc do chủ quan, lơ là. Sau cơn bão số 4 vừa qua, chỉ cần thêm một đợt mưa lũ lớn nữa có thể kích hoạt thêm các đợt trượt lở mới là điều hoàn toàn có thể. Từng quả núi, đồi đã ngấm no nước mưa, nếu tiếp tục gặp mưa lớn sẽ xuất hiện trượt lở.

Vì vậy, những nơi có nguy cơ cao đã được thông báo, địa phương cần phối hợp với người dân có kinh nghiệm trong các làng, bản để xác định sớm dấu hiệu, nguy cơ, phòng tránh. Cấp thiết phổ biến kiến thức, kỹ năng và luyện tập các tình huống ứng phó phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương cho cộng đồng. Thường xuyên cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo, các hướng dẫn về tận từng người dân các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét để tất cả mọi người chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.

Tỉnh Quảng Trị đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn đề ra kế hoạch, định hướng triển khai các nhiệm vụ chi tiết, cụ thể hóa việc lồng ghép các nhiệm vụ phòng chống thiên tai đã được chỉ ra trong Quy hoạch tỉnh bảo đảm hiệu quả, phù hợp theo từng ngành, từng địa bàn, lĩnh vực, tăng khả năng ứng phó, chống chịu, giảm các thiệt hại, hướng đến xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước thiên tai.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chu-dong-ung-pho-nguy-co-sat-lo-dat-post832981.html

  • Từ khóa