Cơn bão số 3 vừa qua đã khiến các dự án trọng điểm trên địa bàn phải tạm dừng thi công. Ngay khi cơn bão qua đi, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu đã triển khai các giải pháp để nhanh chóng thi công trở lại nhằm bù khối lượng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho 6 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án trọng điểm cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B (Km3+700 - Km18) có 5 vị trí sạt lở taluy dương và mái taluy với khối lượng khoảng 500m3.
Ông Bùi Quốc Khánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Ngay sau khi bão qua, ban đã phối hợp với đơn vị thi công, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường các công trình để đánh giá mức độ an toàn. Từ đó, triển khai sửa chữa các hạng mục hạ tầng hư hỏng, xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở, rò rỉ điện... để các dự án sớm thi công trở lại.
Nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thi công hạng mục cấp phối đá dăm dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B, đoạn Km3+700 - Km18 từ ngày 12/9
Ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Thanh (nhà thầu thi công đoạn Km6+500 - Km9+853, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B) cho biết: Từ trước khi bão số 3 đi vào đất liền, đơn vị đã khơi thông hệ thống tiêu thoát nước và rải đá cấp phối trước để đảm bảo điều kiện thi công sau bão. Cùng đó, bố trí máy móc tại dọc tuyến để kịp thời xử lý sự cố phát sinh, thực hiện mở thông tuyến tại các đoạn bị ngập úng, sạt lở. Nhờ đó, đơn vị đã thi công trở lại từ ngày 12/9. Đơn vị đang huy động, 30 đầu máy móc và 60 công nhân chia làm 3 mũi thi công làm việc 3 ca, 4 kíp để thực hiện hạng mục móng đường, bó vỉa. Đơn vị đang làm việc hết sức khẩn trương để bù lại tiến độ hao hụt do bão. Ngày 25/9, đơn vị tiến hành trải nhựa 600m mặt đường để hoàn thiện phần còn lại của gói thầu.
Tương tự, bão số 3 cũng khiến dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, quốc lộ 4B bị sạt lở tại 1 vị trí với khối lượng khoảng 600m3, các rãnh, hố phục vụ cho thi công bị ngập nước, bùn vùi lấp rải rác trên toàn tuyến. Bên cạnh đó, tình trạng cây đổ, đất vùi lấp mặt bằng cũng xảy ra tại một số vị trí trên đoạn Km39 - Km42.
Bà Bùi Thị Phương, Phó Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông tỉnh cho biết: Ngay sau khi bão tan, đơn vị đã phối hợp với các nhà thầu khẩn trương rà soát các thiệt hại và thống nhất phương án khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên tuyến. Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để bù khối lượng bị hụt trong những ngày vừa qua. Nhờ vậy, sau khoảng 1 tuần, dự án trên đã thi công trở lại.
Kỹ sư Vũ Văn Toàn, Công ty Cổ phần Vina Delta phụ trách Km39+809 - Km42+987, dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, quốc lộ 4B cho biết: Ngay sau khi hết mưa, đơn vị đã huy động máy móc dọn dẹp đất đá sạt lở, khơi thông hệ thống tiêu thoát nước mưa và nhanh chóng thi công trở lại. Cùng đó, đơn vị đang bố trí 10 máy móc và 30 nhân lực để hoàn thành các hạng mục trên phần diện tích đã bàn giao. Bên cạnh đó, đơn vị đang phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát để thống nhất phương án xử lý kỹ thuật tại một số vị trí đất ngậm nước, có nguy cơ sạt lở.
Ngoài 2 dự án trên, hiện toàn tỉnh có tổng số 19 dự án trọng điểm khác, trong đó có 8 dự án đang triển khai thi công. Do ảnh hưởng của bão số 3, việc thi công tại các dự án bị dừng lại do tình trạng sạt lở vùi lấp mặt bằng, hạ tầng thi công, nhiều vị trí mặt đường, đất đá nền đường, móng đường bị hư hỏng nặng.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, các đơn vị, chủ đầu tư, nhà thầu đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, nhờ chủ động phương án xử lý tiêu thoát từ trước bão cũng như bố trí linh hoạt các mũi thi công cho các hạng mục, các đơn vị đã thi công trở lại sau 3 - 5 ngày.
Hiện tại, các nhà thầu đang dồn lực thi công nhằm bù khối lượng bị ảnh hưởng do mưa bão. Điển hình như tại dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, các đơn vị đang triển khai thi công 11 vị trí với trên 100 máy móc, 200 nhân lực. Hay đối với dự án Khu trung chuyển hàng hoá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, ngay từ ngày 12/9, nhà thầu chính là Công ty Cổ phần Truyền thông Xây dựng Thành An Hà Nội đã triển khai các mũi thi công đồng loạt tại 5/6 gói thầu với hơn 120 nhân công và hơn 50 đầu máy. Từ đó, phấn đấu đảm bảo mục tiêu đưa các hạng mục chính vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2024.
Hiện tại, bên cạnh việc khắc phục sự cố sau mưa bão để đảm bảo điều kiện thi công, các đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát để luôn sẵn sàng phương án trong trường hợp mưa bão tiếp tục diễn ra.
Với sự vào cuộc chủ động, kịp thời của các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan, về cơ bản các khó khăn do cơn bão gây ra đã được khắc phục, việc thi công trở lại nhanh chóng. Điều này góp phần đưa các dự án trên địa bàn được đảm bảo theo tiến độ đề ra.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/khac-phuc-kho-khan-day-nhanh-thi-cong-sau-bao-so-3-5022369.html