Những cô gái trẻ khởi nghiệp làm giàu trên quê hương

Thứ 7, 05.10.2024 | 08:53:50
360 lượt xem

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện duy trì hai liên hiệp hợp tác xã (HTX), 78 HTX, 45 tổ hợp tác thanh niên và 405 mô hình thanh niên phát triển kinh tế.

Trong số đó nhiều cơ sở có người đứng đầu là những cô gái thế hệ 8X, 9X. Bằng sự đam mê, hoài bão, họ đã khởi nghiệp thành công với những ý tưởng độc đáo, chinh phục thị trường trong nước và ngoài nước.

Chị Mã Thị Dạy (sinh năm 1988) là người dân tộc Tày, hiện sinh sống tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Có niềm say mê đàn tính, hát then từ nhỏ, do thừa hưởng truyền thống gia đình nên khi lớn lên, cô gái trẻ đã ấp ủ khởi nghiệp cho bản thân từ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Năm 2019, chị Dạy cùng các cộng sự thành lập Câu lạc bộ (CLB) Sắc Chàm-một CLB hát then, đàn tính có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, CLB Sắc Chàm có hơn 60 thành viên, thường được biểu diễn phục vụ các sự kiện, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chị còn mở riêng một cửa hàng kinh doanh nhạc cụ và trang phục dân tộc với 9 nhân viên, trung bình thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập của chị mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt 800 triệu đồng.

Những cô gái trẻ khởi nghiệp làm giàu trên quê hương
Chị Mã Thị Dạy thuyết trình dự án của mình tại Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên” tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024. 

Được biết để có thành công ấy, những bộ trang phục chị thiết kế và may luôn bảo đảm giữ được theo đúng truyền thống xưa từ kiểu dáng đến các họa tiết trang trí. Để sản xuất những cây đàn tính, gia đình chị đã tự trồng quả bầu tròn-một nguyên liệu quan trọng để tạo bầu đàn. Quả bầu được chăm sóc cẩn thận để đạt độ già và kích thước chuẩn vì nó ảnh hưởng đến độ vang của cây đàn. Mỗi cây đàn được chế tác khéo léo, không chỉ tạo âm thanh hay mà dáng đàn cũng phải bắt mắt. “Tôi mong muốn được góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc tại quê hương. Khách hàng thích sản phẩm của tôi cũng chính từ bản sắc ấy”-chị Dạy chia sẻ.

Còn đối với chị Lộc Thị Chanh (sinh năm 1991), cô gái 9X luôn tràn đầy năng lượng đã chọn món bánh gio truyền thống để khởi nghiệp. Tới thăm HTX Bánh gio Bắc Kạn do chị làm giám đốc, chúng tôi thấy được không khí làm việc hăng say. Chị Chanh cùng các thành viên thoăn thoắt, nhịp nhàng gói từng chiếc bánh tam giác đều nhau. Mỗi ngày HTX sản xuất từ 3.000 đến 5.000 chiếc bánh.

Những chiếc bánh gio thành phẩm có độ mịn, ăn dẻo, dai, có vị đậm đà, mát lành và có thể để được lâu. Các nguyên liệu để làm bánh gio đều được chị Chanh chọn lựa kỹ càng, như gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng mới có độ dẻo, thơm; tỷ lệ tro để ngâm gạo phải theo công thức chuẩn do chị tự đặt ra. Lá gói bánh phải là lá chít bánh tẻ. Bởi chỉ có lá cây chít mới tạo nên màu sắc vàng sáng như thạch và dễ bóc, mang theo mùi thơm đặc trưng khi ăn bánh. Sau 3 năm hoạt động, sản phẩm bánh gio của HTX đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Thị trường tiêu thụ không chỉ là các tỉnh, thành phố trong cả nước mà đã bán ra cả nước ngoài. Hiện nay, chị mở thêm chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.

Chị Lộc Thị Chanh cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được bà và mẹ dạy gói bánh và khi đó các gia đình thường chỉ gói vào dịp lễ, Tết. Với khát khao đưa món bánh dân tộc vươn xa và có thương hiệu, tôi đã vận động một số hộ dân trong xã thành lập HTX Bánh gio Bắc Kạn. Ban đầu mọi người còn e dè nhưng nay đã khác rồi”-chị Chanh cười chia sẻ. Được biết, HTX của chị Chanh không chỉ giúp các thành viên có việc làm ổn định mà còn giúp cho nhiều hộ dân lân cận có thu nhập từ việc thu mua lá chít để gói bánh. Doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Vừa qua, chị Mã Thị Dạy và chị Lộc Thị Chanh đã tham gia Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên” tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024 với hai dự án là: “Bảo tồn giá trị văn hóa dân gian truyền thống trong nghệ thuật hát then, đàn tính, nhạc cụ, trang phục truyền thống dân tộc Tày Nùng” và “Mở rộng diện tích trồng cây chít và nâng tầm sản phẩm đặc sản bánh gio Bắc Kạn”. Kết quả cuộc thi, cả hai dự án đều đạt giải, trong đó dự án của chị Mã Thị Dạy đã xuất sắc giành giải nhất, dự án của chị Lộc Thị Chanh đoạt giải khuyến khích.

Khởi nghiệp luôn là một bài toán mạo hiểm, đòi hỏi trách nhiệm của bản thân phải cao. Đối với chị Dạy, chị Chanh, “khởi nghiệp còn là sự tự hào với truyền thống dân tộc và liên quan đến cuộc sống của nhiều người khác. Do vậy, phải luôn nỗ lực, đổi mới, sáng tạo; luôn đặt tâm huyết vào sản phẩm, kiên định với con đường mình đã chọn và tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhung-co-gai-tre-khoi-nghiep-lam-giau-tren-que-huong-797349

  • Từ khóa