Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ 7, 05.10.2024 | 16:23:52
386 lượt xem

Sáng 5-10, tại Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) chủ trì diễn đàn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững
Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Cao Đức Phát khẳng định, công nghệ sinh học là thành tựu của nhân loại, góp phần đóng góp vào hiệu quả sản xuất nông nghiệp của thế giới trong nhiều thập kỷ, đặc biệt trong vòng 30 năm qua. Trên thế giới có khoảng 200 triệu ha trồng cây biến đổi gen (chuyển gien, ứng dụng CNSH) hiện chiếm 78% diện tích gieo trồng đậu tương, 64% bông, 26% ngô, 24% cải dầu toàn cầu.

Lợi ích của việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc ứng dụng CNSH tại Việt Nam bị chậm lại, có nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Để không tụt hậu, nước ta cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững
Giống ngô chuyển gen được trồng ở xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học cho biết, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học. Những tiến bộ như công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) hay các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng CNSH không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao.

Chia sẻ tại Diễn đàn về vai trò CNSH trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới đang phải đối diện với những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ Sinh học CropLife châu Á đánh giá cao định hướng và những chương trình hành động của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng các giải pháp cây trồng CNSH, thể hiện qua nhiều dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm, nỗ lực hợp tác chuyển giao công nghệ cũng như quá trình rà soát và hoàn thiện quy trình quản lý để phát huy tối đa lợi ích của các giải pháp này. Việt Nam hiện là một trong những nước có khung pháp lý đối với cây trồng chuyển gen tiên tiến nhất trên thế giới. 

Theo ông Trần Văn Cao, Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, diễn đàn lần này là một bước quan trọng nhằm phổ biến rộng rãi những thành tựu CNSH đã ứng dụng vào nông nghiệp. Các thành tựu này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/day-manh-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-797425

  • Từ khóa