Cơ sở nào để điều chỉnh giá điện?

Thứ 7, 12.10.2024 | 15:00:51
381 lượt xem

Từ ngày 11-10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh, tương đương với mức tăng 4,8%. Đây là lần điều chỉnh tăng giá điện lần thứ 3 kể từ năm 2023.

Trước đó vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng, lần thứ nhất vào ngày 4-5-2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9-11-2023 là 86,4168 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,5%). Như vậy, giá điện tăng thêm trong năm 2023 là hơn 142,3 đồng/kWh.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ sở để điều chỉnh giá điện tăng lần này EVN dựa trên 3 cơ sở quan trọng: Chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Cơ sở nào để điều chỉnh giá điện?
Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phải trả thêm tiền điện mỗi tháng từ ngày 11-10-2024.

Cụ thể, về cơ sở chính trị, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu: “Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”. 

Về cơ sở pháp lý, theo EVN, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trong đó, trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện... Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Về cơ sở thực tiễn, theo EVN, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ,… Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN là 528.604,24 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện và phụ trợ-quản lý ngành.

Theo đó, chi phí đã tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.

Giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, quá trình kiểm tra cho thấy, năm qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm: Giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi.

Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Hộ nghèo được hưởng mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hưởng mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/co-so-nao-de-dieu-chinh-gia-dien-798448

  • Từ khóa