Giá điện tăng 4,8% từ ngày 11/10 sẽ kéo mặt bằng hóa đơn tiền điện tháng tới của các hộ gia đình tăng, mức tiền điện phải trả thêm cao nhất hơn 62.000 đồng/hộ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng. Đơn giá mới cho bậc 1 (0-50kWh) lên 1.893 đồng/kWh, bậc 2 (51-100kWh) lên 1.956 đồng/kWh, bậc 3 (101-200kWh) lên 2.271 đồng/kWh, bậc 4 (201-300kWh) lên 2.860 đồng/kWh, bậc 5 (301-400kWh) lên 3.197 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) lên 3.302 đồng/kWh.
Như vậy, với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, giá điện của các hộ gia đình cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng. Chẳng hạn, trong tháng 9, tiền điện mà gia đình chị Nguyễn Hằng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hết hơn 1,4 triệu đồng, tương ứng 501 số điện (bậc 6).
Khi áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, với mức tiêu thụ như tháng 9, số tiền nhà chị Hằng sẽ phải trả là hơn 1,467 triệu đồng (đã bao gồm 8% thuế VAT), tương ứng trả thêm khoảng hơn 67.000 đồng.
Tương tự, nhà chị Minh Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ngày 28/9, chị vừa thanh toán hơn 1,053 triệu đồng tiền điện (399 số điện, bậc 5). Như vậy, khi áp dụng biểu giá mới, chị sẽ phải trả thêm khoảng 51.000 đồng, lên gần 1,104 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, đối với các hộ sử dụng điện bậc 1 (0-50kWh) tiền điện tăng thêm 4.350 đồng/tháng; bậc 2 (51-100kWh) thêm khoảng 8.850 đồng/tháng; bậc 3 (101-200kWh) - chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, mức tăng tiền điện 19.250 đồng/tháng.
Đối với các hộ sử dụng điện bậc 4 (201-300kWh) trả thêm 32.350 đồng/tháng; bậc 5 (301-400kWh) tăng 47.050 đồng/tháng; bậc 6 (401kWh trở lên) phải trả thêm khoảng 62.150 đồng/tháng.
Hiện, tổng số hộ sử dụng điện 200kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ là 13.800 đồng/hộ.
"Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn", lãnh đạo EVN đánh giá.
Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm 247.000 đồng.
Với đơn vị sản xuất (1,921 triệu hộ), trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng. Nhóm hành chính sự nghiệp (691.000 khách hàng) trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, nhóm này phải chi trả thêm 91.000 đồng/tháng.
Còn đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, đại diện EVN cho biết hiện nay, mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách là 59.500 đồng/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 62.500 đồng/tháng.
Theo dantri.com.vn