Làm giàu nhờ kinh doanh nước mắm gia truyền

Thứ 5, 31.10.2024 | 15:11:11
463 lượt xem

Tận dụng lợi thế về hải sản của vùng ven biển cùng truyền thống làm mắm lâu đời của gia đình, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Đoán-Bùi Thị Tuyết (xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã thành lập cơ sở kinh doanh nước mắm chuyên nghiệp, cung cấp ra thị trường hơn 50.000 lít nước mắm mỗi năm.

Thu lợi nhuận cao nhờ kinh doanh nước mắm với công thức bí truyền

Vừa tất bật đóng gói 20 lít nước mắm cho khách quen, chị Bùi Thị Tuyết (chủ cơ sở làm mắm Đoán Tuyết) vừa phấn khởi khoe: “Khách hàng sau khi thử nước mắm của tôi thường sẽ không chọn sản phẩm khác nữa. Nhiều người đã trung thành với mắm Đoán Tuyết từ 10 đến 20, 30 năm nay”.

Lý giải về sự đặc biệt này, chị Tuyết cho biết: “Nước mắm nhà tôi khác biệt nhờ công thức gia truyền, được gìn giữ và hoàn thiện qua bốn thế hệ, hơn 100 năm nay. Gia đình tôi đúc rút bí quyết từ thực tiễn nên tạo ra được hương vị đặc trưng”.

Làm giàu nhờ kinh doanh nước mắm gia truyền

Các sản phẩm của thương hiệu nước mắm Đoán Tuyết phù hợp với mọi hình thức chế biến, từ làm nước chấm, tẩm ướp, đến xào nấu,... với hương vị đặc trưng của tép biển. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Trên địa bàn xã Nam Hải có hơn 100 hộ làm mắm, nhưng chỉ có gia đình chị Bùi Thị Tuyết là đầu tư sản xuất nước mắm với quy mô lớn và xây dựng thương hiệu mắm riêng. Hiện nay, vợ chồng chị đang sở hữu 3 cơ sở làm mắm với tổng diện tích gần 1.600m² cùng hơn 200.000 lít nước mắm được ủ ít nhất 1 năm. 

Số lượng mắm bán ra hàng năm của gia đình chị đạt bình quân từ 40.000 - 50.000 lít được bán với giá 110.000 đồng/lít, thu lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/năm. Nước mắm gia truyền Đoán Tuyết đã tạo dựng được thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước, từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Điện Biên đến Thanh Hóa, Đắk Lắk, Ninh Thuận,.. và cả nước ngoài.

Nếu như nước mắm truyền thống ở các địa phương khác được làm chủ yếu từ cá biển, thì ở huyện Tiền Hải, nước mắm lại được làm từ con tép trắng. Tép được chọn lọc kỹ càng và thu mua từ những khu vực gần rừng sú, rừng vẹt của Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa trong những ngày biển lặng. Muối sử dụng phải là muối keo, được phơi dưới ánh nắng. Hai nguyên liệu này sau đó được đưa vào bể ủ, hay còn gọi là bể chợp.

Tỷ lệ giữa tép biển và muối được cân đối theo tỷ lệ 10:2 (cứ 10kg tép thì cho 2kg muối). Thời gian ủ kéo dài hơn một năm, sau đó đem đi xay, tạo ra một hỗn hợp sền sệt màu cà phê mà nhiều người hay gọi là mắm tép. Đến thời điểm thích hợp, hỗn hợp này được lọc để chắt ra những giọt nước mắm cốt nguyên chất.

Làm giàu nhờ kinh doanh nước mắm gia truyền

Chị Tuyết luôn đặt cái tâm làm nghề lên hàng đầu, tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng bước sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm bởi theo chị, chỉ một sai sót nhỏ có thể khiến cả mẻ nước mắm bị hỏng. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Sau khi chắt lọc, nước mắm được đựng trong các chậu sành và phơi dưới ánh nắng mặt trời để cô đặc lại. Chị Tuyết cho biết, đây là công đoạn quyết định hương vị đặc trưng của nước mắm mỗi gia đình. Mỗi nhà sẽ có công thức riêng về thời gian chắt mắm và phơi, từ đó tạo nên những giọt nước mắm đậm đà, mang hương vị đặc trưng của miền biển.

So với các loại mắm công nghiệp thì nước mắm gia truyền tuy có giá thành cao hơn nhưng đi đôi với chất lượng. “Vị ngọt thơm của loại mắm này đến từ con tép trắng và nắng gió miền biển cùng với quy trình chắt lọc và phơi theo công thức gia truyền. Về mặt dinh dưỡng, mắm tép chứa lượng đạm gấp 2-3 lần so với các loại mắm công nghiệp khác trên thị trường. Mắm nhà tôi không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản trong quá trình sản xuất, nên sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng”, chị Tuyết tự hào.

Với chất lượng vượt trội và đánh giá cao từ người dùng, năm 2021, sản phẩm nước mắm Đoán Tuyết được chứng nhận đạt OCOP 3 sao, vinh dự trở thành sản phẩm tiêu biểu của huyện Tiền Hải và đại diện cho xã Nam Hải trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Làm giàu nhờ kinh doanh nước mắm gia truyền

Thương hiệu nước mắm Đoán Tuyết được chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2021. Ảnh: Hải Ly 

Nâng cao hơn nữa quy mô và chất lượng sản phẩm

“Trước đây, sản phẩm của gia đình tôi không có nhãn mác, quy mô sản xuất cũng chỉ giới hạn trong xã, huyện, nên thương hiệu chưa phát triển được, lợi nhuận thu về không cao. Lúc đó, hợp tác xã nước mắm Nam Hải đã từng ra mắt nhưng không thành công và phải ngừng hoạt động”, chị Tuyết nhớ về giai đoạn chưa mở rộng mô hình kinh doanh.

Sau này, lượng khách hàng biết đến và đặt hàng ngày càng tăng, cùng với đó là mục tiêu đưa nước mắm trở thành sản phẩm OCOP của địa phương, năm 2014, chị đã bàn với chồng đăng ký nhãn hiệu nước mắm Đoán Tuyết, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng máy móc và công nghệ để chế biến mắm một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

"Từ khi chính thức đăng ký nhãn hiệu và chuyên nghiệp hóa kinh doanh, nước mắm nhà mình được mở rộng thị trường, thu hút nhiều khách hàng mới. Nhờ có tem nhãn đầy đủ, khách hàng chỉ cần bấm số gọi điện là nước mắm được giao tận nơi, vừa tiện lợi cho họ lại hiệu quả cho mình”, chị Tuyết phấn khởi.

Làm giàu nhờ kinh doanh nước mắm gia truyền

Những giọt nước mắm nguyên chất, thơm ngon được ủ trong chum, sẵn sàng đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Hải Ly 

Là một người luôn chú trọng đến chất lượng thực phẩm để đảm bảo sức khỏe qua từng bữa ăn, chị Khuất Thị Phương (50 tuổi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) không thể bỏ qua loại nước mắm thủ công thơm ngon này. “Vị của mắm này hơi mặn hơn so với loại khác nhưng có hậu vị ngọt thanh, rất hợp khẩu vị của gia đình tôi. Vì vậy, dù ở xa nhưng tôi vẫn liên hệ nhà chị Tuyết để mua mắm, mỗi lần từ 10 - 15 lít”, chị Phương chia sẻ.

Nước mắm là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của gia đình người Việt, góp phần làm cho ẩm thực Việt thêm phong phú, có phần đặc biệt so với ẩm thực thế giới. Hiểu được điều đó nên gia đình chị Tuyết luôn nỗ lực để thương hiệu nước mắm quê hương từng bước khẳng định vị thế và uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Chị cho biết gia đình đang chuẩn bị kinh phí để tối ưu hóa công nghệ sản xuất và đấu thầu đất, mở rộng diện tích làm mắm.

Thời gian qua, chính quyền huyện Tiền Hải cũng thường xuyên mở các hội thảo, chương trình để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trong đó có doanh nghiệp nước mắm Đoán Tuyết, được tiếp cận phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học; thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống; cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, đồng thời thúc đẩy chế biến sâu, làm đa dạng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-giau-nho-kinh-doanh-nuoc-mam-gia-truyen-800842

  • Từ khóa