Đại biểu Quốc hội: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng

Thứ 7, 09.11.2024 | 14:59:04
308 lượt xem

Sáng 9-11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Đại biểu Quốc hội: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng
Tổng Bí thư Tô Lâm; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các đại biểu dự phiên họp.

Nhiều vướng mắc trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết này.

Theo các đại biểu, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự trong thời gian qua cho thấy có những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc nói chung, đặc biệt là trong các vụ việc, vụ án về tham nhũng, kinh tế.  

Nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn liên quan đến vụ án, vụ việc đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa bị tồn đọng trong thời gian dài theo tiến trình giải quyết vụ án mà không được xử lý sớm để lưu thông, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan. Có những vụ án, vụ việc nhà nước cũng phải chi phí một nguồn kinh phí lớn để lưu giữ, bảo quản những tài sản đó cho đến khi có quyết định đình chỉ vụ án hoặc bản án có hiệu lực của tòa án thì mới thi hành được...

Đáng chú ý, Điều 1 dự thảo nghị quyết quy định về phạm vi thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố điều tra, truy tố xét xử một số vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đại biểu Quốc hội: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng
 Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu. 

Đề cập đến phạm vi thí điểm trên, đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu rõ: Theo quy định, những vụ án Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là những vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc, vụ án tiêu cực khác ngoài tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất, đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

“Như vậy, phạm vi vụ việc, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo không chỉ là đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể có cả tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng”, đại biểu nói và đề nghị phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh nên giữ nguyên như dự thảo.

Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng

Đồng tình với việc ban hành nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng vì đây là nội dung mới nên cần triển khai nghị quyết dưới dạng thí điểm, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá, rồi mới nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong luật.

Khi hết thời gian thí điểm, nếu thấy chính sách này hiệu quả, có thể xem xét việc không chỉ áp dụng riêng đối với vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo mà còn có thể mở rộng áp dụng thêm đối với các vụ án khác có tính tương tự.

Đại biểu Quốc hội: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nhận định, theo nghị quyết chỉ quy định thí điểm xử lý vật chứng, tài sản thu giữ bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

Theo đại biểu, phạm vi này là chưa thể bao quát hết được vì các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ diễn ra ở một số tội phạm mà loại án này phức tạp về tính chất, quy mô và diễn ra ở một số tội danh; trong khi đó, trên thực tế có thể diễn ra và thi hành ở hầu hết các tội danh có liên quan đến vật chứng, tài sản.

“Ví dụ, những vụ án buôn lậu trang thiết bị điện tử có giá trị vài chục tỷ đồng nhưng không có cơ chế xử lý; đến khi ra tòa, các trang thiết bị điện tử sẽ khó có thể sử dụng được nữa và còn có thể không xử lý được”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Quốc hội: Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên chỉ áp dụng trong một số vụ án tham nhũng
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu. 

Đại biểu Trần Khánh Thu dẫn chứng, trong lĩnh vực y tế có vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, sai phạm thực chất là sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết, hoạt động đấu thầu; hệ thống máy móc là những trang thiết bị hết sức hiện đại và có giá trị trong chẩn đoán, điều trị và giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.

"Thế nhưng, khi xảy ra sự việc, toàn bộ hệ thống bị dừng lại. Với thiết bị điện tử 1 đến 2 năm không hoạt động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và không sử dụng được nữa, người bệnh không có được thiết bị hiện đại để điều trị và đây là một sự lãng phí vô cùng lớn", đại biểu nhấn mạnh.  

Từ những phân tích trên, đại biểu đề xuất nên quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là phù hợp. Vì các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đều là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-thi-diem-xu-ly-vat-chung-tai-san-khong-nen-chi-ap-dung-trong-mot-so-vu-an-tham-nhung-802298

  • Từ khóa