Vụ Công ty GFDI: Người dân cần làm gì để lấy lại tài sản?

Thứ 2, 11.11.2024 | 14:40:49
272 lượt xem

Về góc nhìn pháp lý, luật sư cho rằng, người dân cho Công ty GFDI vay tiền có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và chờ đợi kết quả hoặc khởi kiện vụ án dân sự.

Liên quan đến vụ việc người dân "vây" Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (Công ty GFDI) tại thành phố Đà Nẵng đòi quyền lợi, có nhiều ý kiến thắc mắc, người cho vay cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Về vấn đề nêu trên, luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt - Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự, Đoàn Luật sư Đà Nẵng - cho rằng, vụ việc đang được cơ quan điều tra thực hiện một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật.

Vụ Công ty GFDI: Người dân cần làm gì để lấy lại tài sản? - 1

Công an thu thập được nhiều tài liệu trong khi khám xét trụ sở công ty vào trưa 8/11 (Ảnh: Hoài Sơn).

Vụ việc của Công ty GFDI xảy ra ngay lập tức gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cũng như việc bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân (khách hàng). Do hoạt động của công ty mở các chi nhánh ở nhiều địa phương khác nên lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm và chỉ đạo địa phương thực hiện các bước điều tra.

Theo luật sư, người dân cần thể hiện ý chí của mình bằng văn bản tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đại diện pháp luật khi nhận thấy việc ký hợp đồng vay tài sản, nhận tiền đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản…, có thể yêu cầu xử lý hình sự.

Ngoài ra, về phần dân sự cũng cần thể hiện yêu cầu cơ quan tố tụng (tòa án có thẩm quyền) buộc Công ty GFDI, người đại diện pháp luật hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải trả lại số tiền mà khách hàng đã giao.

Số tiền này bao gồm tiền gốc vay, lãi vay, phạt vi phạm hợp đồng, các yêu cầu khác (nếu có), người dân cần kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc ký kết hợp đồng, giao nhận tiền và các chứng cứ thỏa thuận khác.

Vụ Công ty GFDI: Người dân cần làm gì để lấy lại tài sản? - 2

Khách hàng thỏa thuận ký hợp đồng cho vay tài sản với Công ty GFDI (Ảnh: Hoài Sơn).

Về vấn đề người dân cho Công ty GFDI vay với lãi suất 3%/tháng tức hơn 36%/năm, có người lên đến 50%/năm, theo luật sư Phiệt, lãi suất vay do hai bên thỏa thuận một cách tự nguyện, cho dù có cao hơn mức lãi do ngân hàng đang thực hiện giao dịch.

Người dân chỉ phạm tội cho vay nặng lãi khi mức lãi suất cao hơn gấp 5 lần lãi suất cao nhất về giao dịch dân sự mà pháp luật quy định là 20%/năm (có nghĩa là lãi vay vượt quá 100%/năm mới phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự).

Bên cạnh đó, trong trường hợp này khách hàng cho vay mà không có tài sản đảm bảo, khi có tranh chấp sẽ không trả được gốc vay và lãi vay, người cho vay chịu rủi ro cao khi thu hồi tài sản đã giao.

Công an Đà Nẵng đang làm việc với ông Nguyễn Quang Hoàng - Tổng giám đốc Công ty GFDI để xác minh các vấn đề liên quan.

Công an Đà Nẵng cũng nghi vấn công ty này mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Công ty GFDI được thành lập năm 2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng, do ông Nguyễn Quang Hoàng là Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.

Từ khi thành lập cho đến nay, ông Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết hợp đồng vay tài sản với hàng nghìn khách hàng khắp cả nước.

Tại thành phố Đà Nẵng, công ty này thường xuyên có các hoạt động tài trợ các giải đấu thể thao và quảng bá tưng bừng trên các nền tảng số, văn phòng phẩm…


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-cong-ty-gfdi-nguoi-dan-can-lam-gi-de-lay-lai-tai-san-20241111103523477.htm

  • Từ khóa