Gắn kết yêu thương giữa hậu phương và chiến sĩ góp phần tạo động lực giúp chiến sĩ mới vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện rèn. Đó là ý nghĩa của mô hình “Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ” đang được Trung đoàn 6 (Bộ CHQS tỉnh Bình Dương) triển khai thực hiện và đạt hiệu quả trong thời gian qua.
Sau một ngày huấn luyện vất vả, các chiến sĩ mới có thời gian thư giãn. Binh nhì Hoàng Kim Tuyến, chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 phấn khởi khi được chỉ huy đơn vị cho phép gọi Zalo về gia đình. Ngoài thăm hỏi người thân, Tuyến còn kể về thành tích học tập, rèn luyện của bản thân và những niềm vui trong môi trường quân ngũ.
Binh nhì Hoàng Kim Tuyến chia sẻ: “Mẹ tôi ở nhà có một mình, công việc không ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nên khi nhập ngũ, tôi rất lo lắng về gia đình. Nhưng thông qua nhóm Zalo, tôi có điều kiện gọi về cho mẹ để nắm tình hình. Mẹ tôi cũng biết được thông tin nên yên tâm hơn. Những lời động viên của mẹ đã tiếp thêm động lực để tôi thực hiện tốt các nhiệm vụ”.
![]() |
Chỉ huy đơn vị kết nối Zalo để chiến sĩ trò chuyện với người thân trong ngày nghỉ. Ảnh: HẰNG NY |
Mỗi đại đội trong Trung đoàn 6 thành lập một nhóm Zalo kết nối cán bộ đơn vị với người thân chiến sĩ. Để nhóm Zalo hoạt động hiệu quả, cán bộ chụp ảnh, quay và biên tập video về các hoạt động như: Sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, luyện tập thể dục-thể thao, các hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí, biểu dương những đồng chí có kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ, những câu chuyện gần gũi về tình đồng đội, mối quan hệ đoàn kết cán-binh... Cùng với đó, trên nhóm Zalo, chỉ huy đơn vị thông tin tới người nhà chiến sĩ những nội dung cần thiết như: Quy định chế độ phép, chính sách hậu phương Quân đội, quy định đối với gia đình khi lên thăm quân nhân... Từ thông tin cập nhật trong nhóm Zalo, thân nhân các chiến sĩ rất yên tâm về con em mình trong quá trình huấn luyện, công tác ở đơn vị, đồng thời thông báo những việc đột xuất, hệ trọng ở nhà với chỉ huy đơn vị để có hướng giải quyết kịp thời.
Thượng úy Huỳnh Phước Thành, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, chia sẻ: “Ngay từ khi chiến sĩ mới nhập ngũ, chúng tôi đã tạo mã QR để khi người thân chiến sĩ lên thăm sẽ quét mã và tham gia nhóm Zalo. Đơn vị cũng định hướng nội dung để các gia đình trao đổi, chia sẻ hiệu quả, đồng thời thông tin kết quả học tập, rèn luyện của chiến sĩ đến người thân, từ đó có biện pháp phối hợp giáo dục, quản lý tốt chiến sĩ”.
“Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ” đã phát huy hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong công tác giáo dục, quản lý tình hình tư tưởng, chấp hành kỷ luật và các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Không những vậy, nhóm Zalo còn có tác dụng tích cực trong ngăn chặn các hành vi giả danh cán bộ Quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người thân chiến sĩ.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Trí, Chính ủy Trung đoàn 6, “Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ” đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đây là một trong những kênh thông tin giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm bắt tốt hơn hoàn cảnh gia đình, tâm tư, tình cảm của bộ đội, từ đó xác định chính xác biện pháp quản lý tư tưởng phù hợp. Đơn vị cũng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ các cấp trong bám nắm chiến sĩ, thực hiện tốt việc giáo dục chung với giáo dục riêng, tạo đồng thuận trong đơn vị.
Để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ về sử dụng công nghệ, phương pháp, kỹ năng nắm, quản lý tư tưởng, kinh nghiệm về dự báo, nhận định, đánh giá, giải quyết các tình huống về tư tưởng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý bộ đội. Có thể thấy, “Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ” bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực giúp bộ đội yên tâm tư tưởng, có thêm động lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/gan-ket-hau-phuong-tiep-lua-chien-si-821540