Văn kiện Đảng: Tiếp thu có lý lẽ, thực tiễn và thuyết phục

Thứ 2, 06.04.2020 | 08:41:17
517 lượt xem

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tiếp thu không được dễ dãi, phải có quan điểm, lập trường, có lý lẽ, phải bảo vệ cho được ý kiến đúng.

Thời điểm này, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang được Đại hội Đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến. Việc tiếp thu những ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện rất quan trọng. Đặc biệt, nội dung tổng hợp phải bảo đảm đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân. Có như vậy, sau nhiều lần tiếp thu, hoàn thiện, Trung ương sẽ có 1 bản dự thảo Văn kiện hoàn chỉnh để trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

van kien dang: tiep thu co ly le, thuc tien va thuyet phuc hinh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo, trình Bộ Chính trị cho ý kiến, kịp thời phục vụ đại hội đảng bộ cơ sở.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, diễn ra vào tháng giữa tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, việc tiếp thu các ý kiến đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội XIII phải có quan điểm, lập trường.

Với phương châm bình tĩnh, lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tiếp thu không được dễ dãi, phải có quan điểm, lập trường, có lý lẽ, phải bảo vệ cho được ý kiến đúng. Tiếp thu cũng thể hiện bản lĩnh của người biên tập bởi văn kiện Đảng là văn bia để lại muôn đời sau.

Thực hiện Hướng dẫn số 60 của Văn phòng Trung ương về “Tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, tại tất cả các Đảng Bộ cơ sở vừa tiến hành Đại hội, đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 4 dự thảo báo cáo quan trọng. Đó là: Dự thảo Báo cáo chính trị; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. 

Ông Võ Hồng Hải, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, theo hướng dẫn chung của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Hà Tĩnh giao cho Ban Tuyên giáo hướng dẫn cụ thể trong việc tổ chức thảo luận đóng góp ý kiến một cách rộng rãi nhất, lấy được càng nhiều ý kiến thì càng tốt. Đặc biệt tránh việc góp ý một cách chung chung, không cụ thể. Mà là góp ý cụ thể vào từng chỉ tiêu, từng nhiệm vụ, giải pháp và góp ý vào tất cả nội dung của các Văn kiện dự thảo gửi về xin ý kiến của cán bộ, đảng viên.

van kien dang: tiep thu co ly le, thuc tien va thuyet phuc hinh 2
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Hồng Hải. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Việc tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước. Việc làm này cũng nhằm phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; đồng thời giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dịp thu nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng và trí tuệ vào các văn kiện của Đại hội Đảng - quyết định đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Điều đó cũng đòi hỏi các Văn kiện phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực tế để xác định những định hướng, biện pháp mang tính đột phá.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ phó thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: Nội dung tổng hợp ý kiến góp ý phải bảo đảm đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến thảo luận tại Đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân.

“Làm sao trong quá trình nghiên cứu, góp ý vào Văn kiện Đại hội cần tập trung vào việc tìm ra cái mới, phát biểu góp ý vào cái mới xem đã đúng chưa, phù hợp với chúng ta chưa, nên làm thế nào cho tốt nhất. Nếu hướng vào đó, tức là mang trong mình ấp ủ khát vọng làm sao cho Việt Nam cất cánh. Như trong phần cuối dự thảo văn kiện có toát lên ý phải mang khát vọng về một Việt Nam cường thịnh. Vì vậy, cần thảo luận để củng cố niềm tin và nuôi dưỡng khát vọng phát triển”- Giáo sư Phùng Hữu Phú nói.

“Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Việc tiếp thu phải đúng thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm và phải bảo vệ cho được ý kiến đúng. Có như vậy, sau nhiều lần tiếp thu, hoàn thiện Trung ương sẽ có 1 bản dự thảo Văn kiện hoàn chỉnh để trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.


Lại Hoa/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/van-kien-dang-tiep-thu-co-ly-le-thuc-tien-va-thuyet-phuc-1033177.vov

  • Từ khóa