Công an các địa phương thời gian qua đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm luật phòng chống dịch, luật hình sự
Theo báo cáo của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 6/4, thực hiện yêu cầu phát hiện, xử lý, đấu tranh với số đối tượng có hành vi vi phạm Luật Phòng chống dịch bệnh và Luật Hình sự, công an các địa phương thời gian qua đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm, trong đó nhiều địa phương đã xử lý rất kịp thời, kiên quyết phục vụ yêu cầu truy tìm và giáo dục răn đe chung; không chỉ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mà cả hình sự; đã thực hiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn (Ảnh: Bộ Công an) |
“Một số địa phương đã làm rất khẩn trương như Công an thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác vào cuộc với tinh thần rất khẩn trương nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các địa phương tích cực rà soát, quản lý theo phương châm đã làm “vào từng ngõ, gõ từng nhà” và tiến tới rà từng đối tượng, qua đó, có một vấn đề nổi lên cần tập trung xử lý. Cụ thể qua rà soát, số đối tượng nhập cảnh từ ngày 7-21/3 cộng với số người nước ngoài đang ở Việt Nam hết thời hạn (nếu không có dịch thì họ đã về nước), hiện còn trên 22.000 người, trong đó có nhiều người đi du lịch.
Từ sự việc của ca bệnh 237, đại diện Bộ Công an cho rằng vấn đề quản lý người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay kể cả sau này là yêu cầu cần đặt ra hết sức nghiêm ngặt, có nhiều kẽ hở cần khắc phục. Thực tế từ vụ việc của ca bệnh 237 cần phải siết lại để quản lý tốt, không để dịch bệnh lây lan.
“Chúng tôi đề nghị các bộ có chức năng phối hợp xem xét giải quyết tạo điều kiện cho họ về nước sớm trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng…”, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ.
Liên quan vấn đề nổi lên ở khu vực giáp biên phía Nam, đó là số đối tượng từ Campuchia về khi hết thời gian cách ly mà họ không có giấy tờ tùy thân, cũng không có thân nhân, hay bất cứ mối quan hệ nào ở Việt Nam, đối với số đối tượng này, đề nghị tập trung lại để quản lý trong thời gian cao điểm phòng chống dịch, có thể dưới mô hình của Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc người nào có thân nhân rõ ràng thì được bảo lãnh, còn lại chính quyền có trách nhiệm quản lý trước mắt trong giai đoạn này.
Thời gian tới, Bộ Công an kiến nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bởi với kết quả của 2 ngày vừa rồi, có thể nói người dân rất vui mừng, phấn khởi tin tưởng vào chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Do đó việc thực hiện Chỉ thị 16 như một sự đương nhiên, chí ít là đến 15/4, tuy chỗ này, chỗ khác có chút căng thẳng nhưng là sự cần thiết cho toàn bộ chiến dịch.
"Thực ra nhân dân cũng rất đồng tình ủng hộ việc thực hiện chủ trương này, cho nên từ nay tới 15/4, chúng ta có phân tích, tính toán nhưng nhất định không thể chủ quan", đại diện Bộ Công an nêu quan điểm.
Hiện Bộ Công an đang tập trung mở chiến dịch cao điểm tấn công tội phạm để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn trong xã hội trước, trong thời điểm 30/4. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh chính trị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng./.
PV/VOV.VN