Bình Gia: Khó khăn trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Thứ 4, 08.06.2022 | 15:11:40
769 lượt xem

Tiêm phòng cho đàn vật nuôi có vai trò quan trọng , giúp hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại huyện Bình Gia còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm phòng hằng năm cho đàn vật nuôi trên địa bàn luôn đạt mức thấp, khoảng 40 đến 50%.

Hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn huyện Bình Gia chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện có khoảng 11.000 con trâu, bò; 12.700 con lợn; trên 300 nghìn con gia cầm…

Thú y viên thực hiện tiêm phòng cho đàn bò tại thôn Thuần Như 2, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia

Hằng năm, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi được tổ chức thường xuyên, định kỳ trong 2 đợt: đợt 1 vào tháng 4 và tháng 5, đợt 2 vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2022, huyện chỉ mới triển khai tiêm phòng một số bệnh như: viêm da nổi cục (VDNC) được 1.500 lượt, đạt 50% kế hoạch năm; lở mồm long móng (LMLM) được 1.750 lượt, đạt 16,9% kế hoạch năm; tụ huyết trùng được 873 lượt, đạt 25,6% kế hoạch năm…

Những năm qua, huyện Bình Gia luôn là một trong số những huyện có tỷ lệ tiêm phòng thấp trên địa bàn tỉnh, cụ thể, năm 2020, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc đạt 50% kế hoạch năm; đàn lợn đạt 4,2% kế hoạch năm; đàn gia cầm đạt 22% kế hoạch năm. Năm 2021, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc đạt 54% kế hoạch; tiêm phòng trên đàn lợn đạt 24,3% kế hoạch năm,… Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đơn cử như năm 2021, bệnh VDNC trên đàn trâu, bò xuất hiện rải rác ở 81 thôn tại 17 xã, thị trấn; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 16 xã, phải tiêu hủy toàn bộ 601 con lợn… Trong 5 tháng đầu năm 2022, huyện đã có 4 xã phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 1.126 kg lợn…

Anh Hứa Văn Lý, Thú y viên xã Quang Trung cho biết: Hằng tháng, chúng tôi đều rà soát, thống kê, cập nhật số lượng đàn vật nuôi để kịp thời thông báo, vận động các hộ dân phối hợp thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do chưa nhận thấy hết lợi ích của việc tiêm phòng, nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan, chưa có dịch không cần tiêm phòng, có dịch mới tiêm. Một số người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên kết quả tiêm phòng thường không đạt tiến độ, hằng năm, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi toàn xã chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Nà Vước, xã Tân Văn cho biết: Từ năm 2002 đến nay, gia đình tôi chăn nuôi trâu theo hình thức bán chăn thả với tổng đàn từ 11 đến 15 con. Mỗi năm, đàn gia súc của gia đình thường xuyên mắc một số bệnh như: VDNC, LMLM, sán lá gan,… Cán bộ thú y xã cũng tuyên truyền, vận động gia đình phối hợp tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, nhiều năm qua, gia đình vẫn chọn cách không tiêm vắc xin, vì sợ tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt khi suất bán ra thị trường.

Ngoài khó khăn do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, thì trở ngại lớn là thiếu nhân lực, hiện toàn huyện có 16 thú y viên phụ trách công tác thú y trên địa bàn 19 xã, thị trấn. Trong khi đó, địa bàn huyện có nhiều xã vùng 3 địa hình đi lại khó khăn. Đối với những thôn, bản đặc biệt khó khăn cán bộ thú y phải đi bộ, đến từng ngõ, gõ từng nhà để vừa phổ biến, vận động, vừa triển khai công tác tiêm phòng nên tiến độ thực hiện tiêm phòng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng cho đàn vật nuôi …

Ông Nông Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Gia cho biết: Thời gian tới, để đảm bảo tiến độ tiêm phòng trên đàn vật nuôi, đơn vị sẽ đề xuất với UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã vào cuộc, tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và nhận thức đúng về Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc tiêm phòng để phòng bệnh cho vật nuôi; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm không thực hiện tiêm phòng theo quy định. Đồng thời, đơn vị cũng đề xuất với cấp trên nâng mức phụ cấp đối với thú y viên cơ sở tiêm ngoài giờ.

Tiêm phòng cho đàn vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng trong quy trình chăn nuôi, đặc biệt, trong tình hình hiện nay khi các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn ra phức tạp. Chính vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi để giảm thiểu những rủi ro trong chăn nuôi. Để đảm bảo đàn vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ, huyện Bình Gia cần có những giải pháp quyết liệt hơn.


Mai Linh/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/504972-binh-gia-kho-khan-trong-cong-tac-tiem-phong-cho-dan-vat-nuoi.html

  • Từ khóa