Thăm làng nghề làm hương của người Tày-Nùng xứ Lạng

Thứ 7, 11.01.2020 | 13:26:42
1,026 lượt xem

Lạng Sơn là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, làm hương là nghề truyền thống từ nhiều đời nay của người Tày, Nùng xứ Lạng.

Lạng Sơn là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, làm hương là nghề truyền thống từ nhiều đời nay của người Tày, Nùng xứ Lạng.

Nén hương không chỉ gắn liền với văn hóa mà còn được coi là cầu nối cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Với cách làm độc đáo, trải qua nhiều đời nay, nghề làm hương vẫn được những gia đình nơi đây phát huy và gìn giữ.

tham lang nghe lam huong cua nguoi tay-nung xu lang hinh 1
Từ cổng, đến góc sân hay đầu hồi mỗi ngôi nhà, nén hương được người dân trải đều, dựng, phơi ngay ngắn trên những chiếc sạp tre.


Chợ Kỳ Lừa những ngày giáp tết náo nhiệt và sầm uất. Không chỉ độc đáo là chợ phiên lâu đời tổ chức vào các ngày 2 , 7 ,12, 17, 22 và 27 âm lịch hàng tháng, đây còn là nơi bày bán những mặt hàng dân gian truyền thống nổi tiếng bên cạnh các sản phẩm mới của thị trường.

Bạn sẽ cảm thấy rất dân dã và gần gũi trước các mặt hàng như đôi quang gánh, chiếc bu gà, lưỡi cày, lưỡi xẻng, con dao rèn thủ công, chiếc chạn gỗ hay cái thang tre mộc mạc… Nhưng điều làm bạn ấn tượng nhất có lẽ là mùi hương thảo mộc dễ chịu lan tỏa trong tiết trời se lạnh cuối đông. Những bó hương đều tăm tắp được bày bán ở mọi ngóc ngách của chợ.

Từ chợ Kỳ Lừa, đi một quãng đường không quá xa, rẽ vào một ngõ nhỏ thuộc khối 6 phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn là đến một làng nghề sản xuất hương truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay. Từ cổng, đến góc sân hay đầu hồi mỗi ngôi nhà, hương được người dân trải đều, dựng, phơi ngay ngắn trên những chiếc sạp tre.

tham lang nghe lam huong cua nguoi tay-nung xu lang hinh 2

Công đoạn phơi hương được cho là công đoạn quan trọng nhất.


Hình thức cũng không quá khác hương thông thường, nhưng nguyên liệu mới làm nên nét độc đáo của loại hương này. Ngay từ đầu tháng, người dân đã tìm mua một loại tre (tiếng Tày-Nùng gọi là Mạy Mười) - loại tre dóng dài, thẳng làm chân hương; lên rừng tìm lá dính (còn gọi là lá Bơ hắt) có nhiều nhựa, mọc thành bụi ven khe suối.

Ngoài ra, họ còn tìm vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây thung... để tạo mùi. Trong làng, người già, người trẻ, ai cũng biết làm hương nhưng chủ yếu là phụ nữ do công việc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn.


 

tham lang nghe lam huong cua nguoi tay-nung xu lang hinh 3

Những bó tăm hương được người dân vót đều tăm tắp và phơi nắng.


Học làm hương từ khi còn nhỏ, chị Lương Thị Đào bảo làm hương gồm nhiều công đoạn như chẻ tăm, trộn bột, se hương,…  nhưng quan trọng và mất thời gian nhất là công đoạn phơi khô.


“Nắng nhiều thì phơi một ngày, không nắng nhiều thì phải phơi hai ngày tùy theo cho đến lúc khô. Nhưng mà không được phơi nắng quá nó nứt, chỉ cháy được đến vết nứt là hương tắt. Nắng to quá thì phải đậy vào hoặc cất vào chỗ râm. Toàn bộ đều làm thủ công, không hóa chất gì, 100 que bán ra chỉ được khoảng 12.000 đồng, lấy công làm lãi thôi", chị Đào nói.

tham lang nghe lam huong cua nguoi tay-nung xu lang hinh 4

Loại lá dính được người Tày, Nùng sử dụng làm bột hương.

tham lang nghe lam huong cua nguoi tay-nung xu lang hinh 5

Ở đây, từ người già, người trẻ, ai cũng biết làm hương nhưng chủ yếu là phụ nữ do công việc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn.

tham lang nghe lam huong cua nguoi tay-nung xu lang hinh 6

Nghề làm hương là nghề truyền thống từ nhiều đời nay của người Tày, Nùng xứ Lạng.


Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Nén hương gắn liền với nghi lễ thực hành Then, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh lâu đời của bà con các dân tộc Tày, Nùng. Với những thầy Then tại xứ Lạng thì hương do bà con làm luôn là lựa chọn hàng đầu trong các nghi lễ. Vì sao lại như vậy?

Thầy then Lã Viết Mạnh nói: “Que hương là sự thanh bạch, không dùng đến tạp uế gì của trần gian. Chỉ dùng những loại cây trên rừng về làm bột hương rồi làm que hương cháy. Cũng giống như Phật giáo người ta dùng những thứ thanh tịnh nhất để dâng lên Phật Thánh. Các cụ ngày xưa đến nay vẫn hay sử dụng hương làng vì hương làng có thể tự làm được, vừa không khói, không khét lại vừa được lâu”.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, làng hương Đông Kinh lại tràn ngập không khí rộn ràng. Làng nghề làm hương truyền thống đã và đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ. Những nén hương thắp lên cùng mùi thơm ngào ngạt trong những nếp nhà của đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng như gợi lên trong ký ức mỗi người về khoảnh khắc sum họp quây quần bên gia đình trong đêm giao thừa hay ngày lễ tết đầm ấm, an vui./.

https://vov.vn/xa-hoi/tham-lang-nghe-lam-huong-cua-nguoi-taynung-xu-lang-998957.vov



Theo CTV Mai Linh/VOV.VN

  • Từ khóa