Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Chủ nhật, 31.12.2023 | 15:05:29
654 lượt xem

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023. Chủ đề hội nghị năm nay là “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu trên cả nước.

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023. Chủ đề hội nghị năm nay là “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các điểm cầu trên cả nước.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo hội nông dân các huyện, thành phố; đại diện các hộ nông dân, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Qua chuẩn bị hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp hội, hội viên nông dân cả nước và đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có 6 nhóm vấn đề bà con nông dân quan tâm, mong muốn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải đáp như: mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp; các vấn đề liên quan sản xuất, tiêu thụ nông sản; giải pháp, chính sách xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống; các ý kiến, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân …

Tại cuộc đối thoại, các đại biểu đã đặt các câu hỏi và được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trả lời về một số nội dung như: những chính sách hỗ trợ nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển; chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp; chính sách hỗ trợ đối với các nông dân, HTX tham gia sản xuất xanh, giảm phát thải, tiến tới được cấp phát tín chỉ xanh; những chính sách để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị; phát triển hợp tác xã; giúp nông dân chuyển đổi số…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị. Trong đó, các câu hỏi và trả lời đều cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, qua đó từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người nông dân.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương, Hội nông dân các cấp nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện khát vọng làm giàu, đóng góp phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững, nông dân thực sự có đời sống ấm no, hạnh phúc.

Cán bộ, hội viên nông dân cả nước ra sức phấn đấu hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát huy giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tích cực xây dựng nông thôn hiện đại, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, hội nhập quốc tế; tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nội dung liên quan đến nông dân, nông thôn; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; “nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh”… Qua đó, phấn đấu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/634197-thu-tuong-chinh-phu-doi-thoai-voi-nong-dan.html

  • Từ khóa