Khai thác tiềm năng từ nước mặt để phát triển kinh tế

Thứ 3, 09.01.2024 | 08:50:49
631 lượt xem

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.300 ha mặt nước. Những năm qua, dựa trên lợi thế này, người dân đã khai thác, sử dụng để phát triển nuôi trồng thủy sản, kinh doanh một số dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Người dân thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan kiểm tra cá lăng 

Năm 2016, dự án Thủy điện Thác Xăng đi vào hoạt động, các hộ dân xã Bắc La, huyện Văn Lãng đã tận dụng tiềm năng mặt nước sẵn có nuôi cá lồng để phát triển kinh tế.

Ông Luân Tuyên Quang, xã Bắc La cho biết: Gia đình tôi ở gần khu vực lòng hồ, nhận thấy diện tích mặt nước lớn thuận lợi cho phát triển thủy sản, năm 2016, tôi đã bàn với gia đình đầu tư 2 lồng nuôi cá trắm cỏ. Đến năm 2021, tôi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 250 con cá lăng giống để tham gia mô hình nuôi cá lăng. Theo đó, tôi được tập huấn kỹ thuật làm lồng, vị trí đặt lồng, thả cá giống, cách chăm sóc và phòng trị bệnh. Do vậy, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, gia đình đã mở rộng và duy trì 3 lồng cá, sản lượng trung bình mỗi năm đạt trên 3,5 tạ, thu nhập trên 40 triệu đồng.

Hiện nay, toàn xã Bắc La có 23 hộ nuôi cá với tổng số 82 lồng cá, tập trung tại thôn Nà Sòm và Hát Lốc. Sản lượng năm 2023 đạt khoảng 10 tấn, đem lại nguồn thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng/năm/hộ dân. Bên cạnh đó, 4 hộ dân trên địa bàn xã đã mở dịch vụ nhà ăn, đầu tư thuyền bè phục vụ du khách du lịch lòng hồ với giá vé 500 nghìn/đoàn/điểm, đem lại thu nhập 30 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Luân Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc La cho biết: Những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã biết khai thác, tận dụng lợi thế mặt nước để phát triển mô hình nuôi cá lồng và mở dịch vụ du lịch lòng hồ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để hỗ trợ người dân phát triển mô hình, từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức 1 lớp học nghề và 2 hội nghị tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hộ  nuôi cá trên địa bàn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân. Thời gian tới, xã sẽ cân đối nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ người dân phát triển thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực du lịch lòng hồ nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Cùng với mô hình trên, mô hình nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã Xuân Mai, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cũng là một điển hình. Ông Linh Văn Thắm, Giám đốc HTX cho biết: Trên địa bàn có hệ thống sông rất rộng, tận dụng lợi thế đó, năm 2020, HTX đi vào hoạt động với 7 thành viên, chủ yếu nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các thành viên đầu tư xây dựng lồng bè nuôi cá, đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi với diện tích mặt nước 12 ha, trung bình mỗi năm, HTX thu được sản lượng trên 10 tấn, thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm/thành viên.

Trên đây chỉ là hai mô hình phát triển cá lồng điển hình trên địa bàn tỉnh, những năm qua, người dân, HTX đã tận dụng, khai thác lợi thế tài nguyên nước mặt từ các hồ, đập, sông suối để xây dựng và phát triển thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi cá lồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 543 lồng cá (tăng 339 lồng so với năm 2016), chủ yếu là các loại cá trắm cỏ, chép, trôi, cá lăng, cá nheo Mỹ tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Tràng Định.

Bên cạnh sự chủ động của người dân, thời gian qua, cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng phát triển thủy sản. Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá bao gồm: chọn vị trí đặt lồng, chăm sóc quản lý lồng nuôi, phòng trị bệnh cho cá theo đúng kỹ thuật… Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2023, từ nguồn vốn khuyến nông Trung ương 1,7 tỷ đồng, trung tâm đã đã xây dựng 3 mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các huyện: Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình với 18 hộ tham gia, quy mô 2.250 m3 lồng. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, thức ăn chăn nuôi, người dân thực hiện mô hình đối ứng 30% con giống, thức ăn chăn nuôi… Qua quá trình chăm sóc, quản lý lồng nuôi đã đem lại lợi nhuận trung bình trên 32 triệu đồng/lồng 100 m3. Từ mô hình, đã đưa giống cá giá trị cao vào để người dân sản xuất, nhân rộng trên địa bàn các huyện có sông, hồ, đập để phát triển thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Qua đó có thể thấy, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh mặt nước, phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.500 tấn, tăng 3,79% so với năm 2022, sản lượng khai thác ước đạt trên 300 tấn, tăng 5,18% so với năm 2022. Theo tìm hiểu thực tế một số hộ nuôi trồng thủy sản, thu nhập thấp nhất cũng đạt 40 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập cao đạt trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

Bên cạnh phát triển thủy sản, người dân cũng đã tận dụng mở một số dịch vụ câu cá, ăn uống, du lịch lòng hồ, sông để tăng thêm thu nhập. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, cải thiện đời sống người dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/635904-khai-thac-tiem-nang-tu-nuoc-mat-de-phat-trien-kinh-te.html

  • Từ khóa