Không chủ quan với bệnh dại

Thứ 6, 02.02.2024 | 08:57:22
1,061 lượt xem

Bệnh dại do chó, mèo gây ra cho người là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong lên tới 100% sau khi phát bệnh. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhưng trong tháng 1/2024, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra trường hợp tử vong vì bệnh dại do người bị chó cắn chủ quan, biết nhưng không đi tiêm.

Người dân tiêm vắc-xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 

Nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, hằng năm, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố dự trữ đầy đủ vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại để tiêm cho những người bị động vật cắn. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 5.628 người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc xin phòng dại (tăng 1.010 người so với năm 2022). Nhờ được tiêm phòng kịp thời nên trong năm 2023, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào phát bệnh và tử vong do bệnh dại (giảm 1 ca so với năm 2022).

Chị H.T.M, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Đầu tháng 9/2023, con tôi bị con mèo đang nuôi ở nhà cắn vào tay, chảy máu. Mặc dù vết xước nhỏ nhưng tôi vẫn đưa cháu đi tiêm phòng. Được các cán bộ y tế hỏi thăm, tư vấn, hướng dẫn, tôi đã cho cháu tiêm đầy đủ 5 mũi vắc xin. Đến nay sức khỏe cháu ổn định. Gia đình tôi thấy yên tâm hơn.

Đi đôi với dự trù đủ vắc-xin, huyết thanh kháng dại và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho nhân dân, lực lượng y tế cơ sở thường xuyên giám sát, nắm bắt địa bàn, kịp thời tư vấn, vận động người dân đi tiêm phòng khi bị động vật cắn. Bác sĩ Đặng Minh Kim, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Bắc Sơn cho hay: Để phòng, chống bệnh dại ở người, hằng năm Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, nắm bắt những trường hợp bị chó, mèo cắn và vận động người dân tiêm phòng kịp thời. Đồng thời luôn rà soát, dự phòng đủ số lượng vắc-xin cần thiết để tiêm cho người dân. Trong năm 2023, trung tâm đã tiêm 1.595 liều vắc-xin phòng dại và 24 liều huyết thanh kháng dại cho người dân. Nhờ đó trên địa bàn không có ca mắc bệnh dại.

Cùng với triển khai tiêm phòng cho người bị chó, mèo cắn thì việc phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo cũng được cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm thực hiện. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 130.000 con chó, mèo. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản triển khai xây dựng cơ sở an toàn bệnh dại ở chó, mèo; chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và xây dựng các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai tiêm vắc- xin phòng dại ở chó, mèo được 42.750 liều.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác phòng, chống bệnh dại ở người do chó mèo cắn nhưng trong thực tế số lượng chó, mèo được tiêm phòng dại vẫn còn rất ít, trong khi đó, chó mèo thường được nuôi theo đàn và thả rông nhiều nên nguy cơ người dân bị chó, mèo cắn rất cao. Cùng đó vẫn còn một số ít người dân chủ quan chưa có ý thức cao trong phòng, chống bệnh dại, khi bị có hoặc mèo cắn thì không đến cơ sở y tế để được tư vấn hoặc tiêm phòng dại. Trường hợp 1 bệnh nhân nam, thường trú tại huyện Cao Lộc là một ví dụ đau lòng. Theo thông từ người nhà, bệnh nhân bị chó cắn vào chân từ cuối tháng 10/2023, vết cắn chỉ bị chảy ít máu nên bệnh nhân chủ quan, chỉ rửa nước xà phòng, không tiêm vắc xin phòng dại. Ngày 1/1/2024, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ. Các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, mất ngủ, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng… ngày càng xuất hiện nhiều. Ngày 4/1/2024, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng đã tử vong ngay ngày hôm sau (5/1/2024).

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Dại là căn bệnh truyền nhiễm virus cấp tính do vết cắn, cào, liếm từ động vật nhiễm bệnh có thể gây những hậu quả nặng nề ở não và hệ thần kinh. Nguy cơ tử vong là 100% nếu phát bệnh. Do đó, người dân cần cảnh giác và nâng cao hiểu biết để phòng, chống bệnh dại ở người. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đúng và đầy đủ. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không được dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại mà phải đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Qua đây cho thấy, để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, không có trường hợp tử vong, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các đơn vị liên quan và ngành y tế thì rất cần sự phối hợp từ các gia đình trong việc nuôi nhốt và tiêm phòng dại cho chó, mèo; người dân cũng cần nâng cao ý thức phong bệnh dại, tiêm phòng đầy đủ các liều vắc-xin sau khi bị chó, mèo cắn…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/642118-khong-chu-quan-voi-benh-dai.html

  • Từ khóa