Long Châu là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Long Châu tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng của nước ta. Từ năm 1926, Long Châu là cơ sở cách mạng quan trọng của Việt Nam và trở thành các địa điểm ghi dấu những năm tháng hoạt động của Hồ Chủ tịch ở hải ngoại.
Thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở Long Châu
Huyện Long Châu bấy lâu nay trở thành “địa chỉ đỏ” để các nhà sử học, nhà văn, nhà báo nước ta và Trung Quốc tìm về nghiên cứu, sưu tầm, học tập. Đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cũng đã có chuyến thăm, làm việc tại một số địa danh, tìm hiểu, sưu tầm hiện vật hoạt động cách mạng của các bậc tiền bối…
Dấu ấn khó phai
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với chúng tôi về những bức ảnh ghi lại được trong chuyến thăm, nghiên cứu ở Long Châu vừa qua. Ông cho biết, Long Châu là địa phương tương đồng với các tỉnh miền núi của Việt Nam với phong cảnh hữu tình, người dân hiền hòa thân thiện. Nơi đây là địa bàn hoạt động thời gian dài của Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Hoàng Minh Thảo, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri…
Theo ông Kiên, trong các di tích thì tiêu biểu là căn nhà số 74, 76 phố Nam (huyện lỵ Long Châu). Thời kỳ 1939-1944, những khi về hoạt động ở Long Châu, Bác thường đến nghỉ và làm việc tại đây. Căn phòng Bác ở trên gác 2, chung vách với phòng các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong. Hiện căn phòng này được bài trí nguyên trạng như khi Người đã từng ở. Trong phòng có một chiếc giường ngủ bằng gỗ, một số vật dụng có kiểu dáng đầu thế kỷ XX như bàn ghế, gương soi, chậu rửa mặt… Ngay cạnh đó là phòng khách rộng rãi dùng làm nơi tiếp đón khách và tổ chức hội họp, bàn thảo về hoạt động cách mạng. Từ năm 2006, ngôi nhà này đã được nước bạn trùng tu, tôn tạo trở thành nhà trưng bày Hồ Chí Minh. Ở đó giới thiệu những hình ảnh, tài liệu hiện vật quý về hoạt động của Bác Hồ và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc, chủ yếu là khu vực Long Châu…
“Hằng năm, Tỉnh Đoàn- Hội đồng Đội Lạng Sơn và Quảng Tây tổ chức chương trình “Khăn hồng Hữu nghị”. Trong đó, thiếu nhi hai nước tổ chức tham quan, tìm hiểu Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Long Châu cũng như những địa danh gắn với hoạt động cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc”. Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn |
Bát sứ gia đình ông Nông Kỳ Chấn cung cấp cho Bác Hồ dùng hàng ngày, hiện đang trưng bày tại Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở Long Châu
Tại phố huyện Long Châu còn có di tích nhà ông Nông Nhân Bảo – bà Hai Nông ở 81 phố Bát Bảo (nay là 73 phố Doanh). Đây là cơ sở cách mạng, một trạm liên lạc bí mật quan trọng do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp gây dựng từ năm 1929. đồng thời là nơi tổ chức các lớp tập huấn chính trị, các cuộc họp quan trọng thời kỳ 1930 – 1944…Theo lời của cán bộ ở Bảo tàng Long Châu, quá trình chỉ đạo phong trào cách mạng, Bác đã từng đến và ở tại ngôi nhà này. Trong đó có lần dừng chân của Bác tháng 8/1944 – trước khi trở về Pác Bó (Cao Bằng) để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong nước.
Cùng với các địa điểm trên, đáng chú ý là di tích Văn phòng Hải ngoại số 1, Liên minh giải phóng dân tộc Việt Nam được lập năm 1941- nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ từng lao động kiếm sống và hoạt động cách mạng thời kỳ mới sang hoạt động. Ngày 9/8/1944, khi dẫn 18 thanh niên yêu nước từ Liễu Châu qua Long Châu về Pác Pó (Cao Bằng), Bác Hồ đã đến đây chỉ đạo việc sắp xếp các tổ chức bí mật, lực lượng cách mạng để sẵn sàng trở về Việt Nam.
Nghĩa tình Việt- Trung
Thời kỳ hoạt động ở Long Châu, với con mắt tinh tường nhận thấy lực lượng cách mạng của ta đã mạnh, đông người nếu ở ngay trung tâm phố thị có nguy cơ bại lộ nên Bác Hồ và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt nhanh chóng chuyển về vùng nông thôn Hạ Đống. Điểm lưu trú đầu tiên là Trường Tiểu học Hạ Đống, sau đó đến nhà ông Nông Kỳ Chấn ở bản Nà Tạo, nhà ông Phan Toàn Trân bản Nà Thành. Đây là những cơ sở tin cậy Bác từng ở chỉ đạo hoạt động cách mạng khu vực biên giới. Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Nông Kỳ Chấn nằm ngay dưới chân núi Phi Vân; ông là người dân tộc Choang, kiệm lời, thật thà, chất phác. Tại đây, Bác ở ngay trong nhà ông và đã được các thành viên trong gia đình che chở, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn trong suốt thời gian đó. Không ít lần ông Nông Kỳ Chấn đã mưu trí giúp Bác thoát khỏi sự lùng sục, kiểm soát của an ninh thôn. Thời gian đó, Bác còn được ông Nông Hiển Nghĩa ở bản Nà Tạo cùng nhiều người dân khác tận tình nuôi dưỡng, chở che.
“Gắn với các di tích trên là các di vật nhân dân Long Châu đã dùng để chăm nuôi Bác, đồ dùng Bác đã sử dụng khi ở đây như: thùng đựng gạo, nồi cơm ông Nông Hiển Nghĩa đã dùng nấu, đưa cơm tiếp tế cho Bác; chiếc bát sứ Bác đã dùng thời kỳ ở nhà ông Nông Kỳ Chấn hiện vẫn được lưu giữ, trưng bày” – Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn chia sẻ.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Long Châu lại là địa bàn quan trọng của ta. Tại làng Bó Cục, trấn Hạ Đống sát biên giới Việt – Trung hiện có điểm di tích “Bộ chỉ huy quân sự Trần Canh trong chiến dịch biên giới Việt Nam”. Đó là một ngôi nhà 2 tầng bằng khung gỗ, lợp ngói máng có chiều rộng 5,8 m, sâu 10 m nằm ngay cạnh đường. Nội dung tấm biển giới thiệu di tích ghi rõ: “Tháng 1/1950 Hồ Chi Minh đã bí mật sang Trung Quốc đề nghị Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đó, Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết sách viện trợ toàn diện cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp…”.
Thủy chung son sắt
Sau này, tri ân sự giúp đỡ của nhân dân Long Châu đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần mời các ân nhân cách mạng hoặc thân quyến của họ sang thăm Việt Nam để bày tỏ lòng cảm ơn. Nhận lời mời của Bác, năm 1959, 1960, 1972 ông Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân, bà Hai Nông cùng nhiều người khác đã sang thăm Việt Nam trong sự đón tiếp nồng ấm, trọng thị của Bác và chính phủ. Khi trở về, họ được tặng quà rất chu đáo theo sự căn dặn của Bác. Những kỷ vật đó đã được họ trân trọng nâng niu giữ gìn, sau đó tặng lại cho cơ quan văn hóa ở địa phương. Hầu hết hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại di tích nhà số 74, 76 phố Nam, Long Châu. Các địa điểm lưu dấu hoạt động của Bác ở Quảng Tây đã được nước bạn trân trọng giữ gìn. Trong đó, một số di tích đã được xếp hạng các cấp bảo vệ, trở thành địa điểm tham quan du lịch của Nhân dân hai nước Việt – Trung.
Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn Nông Đức Kiên tiếp nhận chiếc mũ mà ông Hoàng Đức Quyền đã đội sang Việt Nam năm 1959 theo lời mời của Bác Hồ
Nhớ lại chuyến công tác, ông Nông Đức Kiên bồi hồi cho biết, đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được sự quan tâm, tạo điều kiện của đồng nghiệp nước bạn. Nhất là ông Lưu Quang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Long Châu- người đã được cấp trên giao cho việc xây dựng nhà lưu niệm Bác Hồ ở Long Châu nên đã tiếp cận, thu được nhiều tư liệu, hiện vật quý giá. “Tôi được cháu đích tôn gia đình ông Hoàng Đức Quyền, người dân tộc Choang tặng chiếc mũ mà ông nội đã đội khi sang Việt Nam năm 1959 theo lời mời của Bác Hồ để làm kỷ niệm” – Ông Kiên xúc động nói. Theo ông Kiên, mỗi khi đến thăm các di tích lịch sử này đều cảm nhận sâu sắc những cống hiến lớn lao của Bác trên con đường cách mạng, giải phóng dân tộc. Đồng thời thấy được những tình cảm vô cùng thân thiết, sâu nặng Nhân dân Trung Quốc đã giành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Theo baolangson.vn