Sản xuất công nghiệp: Những dấu ấn tăng trưởng

Thứ 6, 09.02.2024 | 09:23:17
757 lượt xem

Trong năm 2023, hoạt động lĩnh vực công nghiệp của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, kết thúc năm 2023, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có sự tăng trưởng tích cực.

Thực hiện nghi lễ khởi công dự án Cụm công nghiệp Đình Lập (huyện Đình Lập) vào cuối tháng 12/2023

Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,68% so với năm 2022, vượt 0,68% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Cùng đó, trong năm 2023, ngoài Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn 6.361,3 tỷ đồng, tỉnh đã thành lập mới được 4 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp của tỉnh lên 7 cụm.

Kết quả tích cực

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương, sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, hết 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù có chỉ số tăng trưởng hơn 5%, nhưng nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như than, xi măng, vật liệu xây dựng… sản lượng lại giảm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng bởi những xung đột tại khu vực châu Âu. Tuy nhiên, bước sang tháng 7/2023, khi thị trường trong nước và các nước trong khu vực châu Âu, châu Á… ổn định, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh đã năng động tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất. Theo đó, đến hết tháng 11/2023, chỉ số công nghiệp đã tăng 7,21% so với cùng kỳ;  đến hết tháng 12/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 7,68% so với năm 2022.

Như Công ty Than Na Dương, theo báo cáo của công ty, trong gần 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng than nguyên khai khai thác chỉ được khoảng 200 nghìn tấn, đạt 33,3% kế hoạch.

Ông Hoàng Kiều Hưng, Giám đốc Công ty Than Na Dương chia sẻ: Trước thực trạng tình hình sản xuất và tiêu thụ gặp khó khăn, công ty đã đề ra hàng loạt phương án sản xuất kinh doanh như: chủ động tìm bạn hàng mới; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, khai thác, chế biến… qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, nhiều bạn hàng đã tin tưởng và đặt hàng của công ty, điều này giúp công ty hoàn thành và vượt chỉ tiêu Tập đoàn giao. Cụ thể, kết thúc năm 2023, công ty đã khai thác được gần 700 nghìn tấn than nguyên khai, tăng 100 nghìn tấn so với kế hoạch năm, cung ứng 565 nghìn tấn than sạch, tăng 5,2% so với kế hoạch.

Ngoài Công ty Than Na Dương, những doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khai khoáng, chế tạo, chế biến… đều chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm thiểu chi phí, nâng công suất; thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm và mở rộng thị trường…, qua đó, sản lượng sản xuất của các công ty sản xuất công nghiệp lớn đều vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2023 đã có 9/13 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có sản lượng sản xuất tăng so với năm 2022 như: gạch các loại 253 triệu viên tăng 1,0%; ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng 134 nghìn m3, tăng 1,9%; muối công nghiệp 710 nghìn tấn, tăng 36,2%;…

Không chỉ ghi dấu ấn về tăng trưởng về chỉ số sản xuất công nghiệp, công tác phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 cũng được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Ông Hoàng Cao Thượng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Trong năm 2023, công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp đã có bước chuyển biến rõ nét, điển hình nhất là Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Song song với đó, năm 2023, tỉnh đã thành lập mới 4 cụm công nghiệp (Hợp Thành 2, Đình Lập, Hồ Sơn 1, Hòa Sơn 1), tăng 2 lần về số cụm công nghiệp được thành lập so với năm 2022, qua đó nâng tổng số cụm công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh lên 7 cụm công nghiệp. Tính đến cuối năm 2023, ngoài Cụm công nghiệp Địa phương số 2 (huyện Cao Lộc) đã đi vào hoạt động với 12 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất (tỷ lệ lấp đầy 100%), Cụm công nghiệp Đình Lập đã khởi công và bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2023, các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng đã hoàn thành thẩm định 3 cụm công nghiệp (Na Dương 1, 2, 3) và hiện đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Một dấu ấn khác trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh trong năm 2023 đó là tỉnh đã thu hút 23 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp vào địa bàn tỉnh, tăng 20 doanh nghiệp so với năm 2022. Qua đó nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 226 doanh nghiệp.

Hoạt động khai thác than của Công ty Than Na Dương

Phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2024

Mục tiêu năm 2024, tỉnh phấn đấu sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt từ 7 – 8%; thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng 3 – 4 cụm công nghiệp đã thành lập; phấn đấu thành lập 3 – 4 cụm công nghiệp mới;…

Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, để hiện thực hóa mục tiêu của năm 2024, các ngành, các cấp của tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh quá trình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục đồng hành cùng với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu tục các sản phẩm công nghiệp của tỉnh; vận động các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp tập trung sản xuất theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; sản xuất công nghiệp theo chiều sâu thông qua việc liên kết và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã xây dựng các kế hoạch cụ thể tham mưu UBND tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó là tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp ứng dụng, công nghiệp hỗ trợ… tại các khu, cụm công nghiệp đã thành lập. Ngoài ra, sở cũng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, từ đó nâng tỷ trọng giá trị công nghiệp của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Để hiện thực hóa mục tiêu về phát triển công nghiệp năm 2024, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, chính quyền các huyện tập trung đôn đốc hoàn thiện hồ sơ để trình UBND phê duyệt, quyết định thành lập 2 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển các nguồn điện sinh khối, điện gió và thủy điện, qua đó nhằm hướng đến nâng cao sản lượng điện sản xuất trên địa bàn.

Ông Hà Quang Thứ, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương cho biết: Nhằm nâng cao sản lượng điện sản xuất trong năm 2024, công ty sẽ tiếp tục tập trung đầu tư công nghệ mới vào công tác điều hành, rút ngắn thời gian xử lý sự cố và thời gian sửa chữa, bảo dưỡng để cung cấp nguồn điện ổn định, liên tục lên hệ thống lưới điện quốc gia. Cùng đó, công ty đang triển khai các giải pháp để thực hiện khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II nhằm nhanh chóng hoàn thành dự án này, từ đó nâng cao sản lượng điện sản xuất hằng năm.

Hy vọng, việc tập trung phát triển các ngành nghề sản xuất công nghiệp chủ lực, phù hợp với địa phương cũng như tập trung thành lập các khu, cụm công nghiệp sẽ góp phần từng bước đưa ngành công nghiệp của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/642829-san-xuat-cong-nghiep-nhung-dau-an-tang-truong.html

  • Từ khóa