Người có uy tín, già làng “truyền lửa” ở biên cương

Thứ 6, 09.02.2024 | 15:03:01
934 lượt xem

Những năm qua, mỗi người dân nơi biên cương, nhất là những già làng, người uy tín trong các thôn bản vẫn tiếp tục bám đất, bám làng, hăng say lao động sản xuất và không quên truyền dạy con cháu truyền thống của quê hương trong đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ biên giới.

Ông Kỳ Dùng Phú, thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa thu hoạch nhựa thông

Lạng Sơn có hơn 231 km đường biên giới giáp Trung Quốc. Dọc theo dãy đường biên là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các lực lượng vũ trang, bà con luôn sẵn sàng đem hết sức mình bảo vệ từng cột mốc, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định là một trong những xã biên giới có diện tích rộng, dân cư đông, đây cũng là xã có nhiều mốc giới. Nơi đây, già làng, người có uy tín Đinh Hồng Quảng (78 tuổi), thôn Đoàn Kết được bà con xem như “linh hồn” của làng bởi ông là người am hiểu tường tận về lịch sử, phong tục, đời sống của người dân. Đặc biệt, ông còn là người nắm rõ vị trí, đặc điểm địa hình, từng ngọn cây, bụi cỏ quanh các cột mốc nơi biên cương. Sinh ra và lớn lên tại xã Quốc Khánh, ông Quảng đã từng trải qua nhiều gian nan, thấm thía những mất mát, hi sinh khi đã từng tham gia cuộc kháng chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi hòa bình lập lại, ông càng ý thức rõ hơn nhiệm vụ bảo vệ đất nước, nhất là bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Bởi vậy, nhiều năm qua, dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn tham gia tuần tra cùng các lực lượng chức năng, thường xuyên đến kiểm tra từng cột mốc. Hằng ngày, ông Quảng vẫn thường kể những câu chuyện về việc bảo vệ từng tấc đất, xây từng cột mốc, chống gậy, trèo đồi lên kiểm tra cột mốc, chăm sóc từng cột mốc cho các con, các cháu trong nhà, trong thôn nghe. Noi gương ông, con cháu trong nhà cũng như nhiều gia đình trong thôn đều đăng ký tham gia tự quản đường biên mốc giới, góp phần giữ gìn bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Ông Quảng cho biết: Bây giờ muốn đến kiểm tra các cột mốc có thể nhờ con cháu chở xe máy đến tận nơi nhưng trước đây thì khác. Còn nhớ, có những cột mốc muốn đến kiểm tra phải chống gậy, leo đồi cả buổi, đường lên thì quanh co, trắc trở nhưng với ý thức, trách nhiệm của mình, tôi vẫn thường xuyên tham gia tuần tra, kiểm tra cột mốc, đường biên cùng các lực lượng chức năng, kịp thời báo cáo các lực lượng này khi phát hiện những bất thường. Với tôi, đây là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng.

Không chỉ giúp các con cháu hiểu về lịch sử, biết rõ hơn đặc điểm mảnh đất nơi biên ải, tự hào về truyền thống của cha ông, những già làng, người có uy tín cũng là những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế và tuyên truyền, vận động bà con làm theo để xây dựng dải biên cương xanh, giàu đẹp. Trường hợp ông Kỳ Dùng Phú, (78 tuổi), thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập là một ví dụ. Trong tiết trời xuân se lạnh, bên bếp lửa bập bùng, ông Phú bồi hồi nhớ lại quá khứ nhiều năm về trước. Lúc ấy, đời sống người dân trong thôn đặc biệt khó khăn, hơn 90% diện tích đất đồi bỏ trống, đường giao thông đi lại không thuận lợi, muốn ra thị trấn phải đi bộ cả ngày trời, mọi hàng hóa phải cõng trên đôi vai, đời sống người dân quanh năm bị cái đói nghèo đeo bám. Mãi đến năm 1991, khi có chủ trương giao đất, giao rừng, tập trung trồng rừng nơi thượng nguồn sông Kỳ Cùng, ông Phú (lúc ấy là Chủ tịch UBND xã) đã tiên phong nhận cây thông giống về trồng, vận động các hộ trong thôn cùng trồng. “Mình là cán bộ, mình phải làm trước thì dân mới tin và làm theo” – ông Phú chia sẻ.

Vất vả hơn 10 năm chăm sóc, gia đình ông Phú đã có thu nhập từ những gánh nhựa thông đầu tiên, từ đó người dân không chỉ ở trong thôn mà cả trong xã Bắc Xa cũng đem cây thông về trồng. Từ cây thông, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, những diện tích đồi núi trọc được phủ xanh. Sau khi nghỉ chế độ, từ năm 2007 đến nay, ông Phú là người có uy tín trong đồng bào dân tộc tiểu số ở thôn. Phát huy vai trò của mình, ông không chỉ cùng gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ trồng  thông, sản xuất cây thông giống mà ông còn tích cực vận động bà con phủ xanh toàn bộ diện tích đất trống, đồi trọc. Chính vì vậy, giờ đây, đến thôn Bản Mạ, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng thông bạt ngàn, xanh thẳm, là những ngôi nhà xây 2 hoặc 3 tầng hoặc nhà ngói khang trang mọc lên san sát, thong thôn có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả, thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã (năm 2005 xã Bắc Xa có 72% hộ nghèo, đến nay chỉ còn khoảng hơn 5%).

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều già làng, người có uy tín ở vùng biên cương Xứ Lạng đã có những đóng góp tích cực cho thôn bản mình. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.600 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có khoảng hơn 100 người uy tín, già làng sinh sống tại các thôn bản biên giới. Được biết những năm qua, người uy tín, già làng ở các thôn bản biên giới luôn sẵn sàng, hết mình tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, hăng say lao động, làm giàu đẹp thêm quê hương. Tại các thôn bản biên giới, những người uy tín, già làng đã cung cấp được nhiều nguồn tin quan trọng giúp các lực lượng chức năng phá được những vụ án. Họ cũng là lực lượng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Những già làng, người uy tín là người am hiểu thực tiễn địa phương, là chỗ dựa tin tưởng của cộng đồng. Những năm qua, các già làng, người có uy tín sinh sống tại các thôn bản biên giới của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, người dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Đồng thời nhiều già làng, người có uy tín cũng là những tấm gương tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, vận động người dân tích cực lao động để xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/642978-nguoi-co-uy-tin-gia-lang-truyen-lua-o-bien-cuong.html

  • Từ khóa