Ngày 30/12/1999, Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký kết tại Hà Nội.
Hai bên đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc (PGCM) trên thực địa năm 2008 cùng với ký kết, triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền năm 2010 là những sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc lần đầu trong lịch sử hai nước độc lập, có chủ quyền đã hoạch định được một đường biên giới trên đất liền một cách khoa học, công bằng chính xác với hệ thống mốc giới chính quy, hiện đại và bền vững, khép lại quá trình 36 năm đàm phán hoạch định, giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tuyên truyền, giới thiệu về đường biên, cột mốc cho lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên
Sau khi hai bên trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước, đã chính thức thành lập Ủy ban Liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và 12 nhóm liên hợp PGCM (nhóm PGCM) để thực hiện công tác PGCM toàn tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc với tổng chiều dài gần 1.450 km. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, từ tháng 10/2002 các nhóm PGCM đã triển khai công tác PGCM trên thực địa. Đến ngày 23/2/2009, công tác PGCM trên toàn biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành với 1.970 mốc giới. Đoạn biên giới đất liền tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây dài 231,74 km, hai bên đã tiến hành cắm 472 mốc, trong đó Nhóm PGCM số 10 tiến hành PGCM từ mốc số 961 tiếp giáp tỉnh Cao Bằng đến mốc số 1169; Nhóm PGCM số 11 tiến hành PGCM từ mốc số 1170 đến mốc số 1300/4 tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh.
Hơn tám năm thực hiện sứ mệnh lịch sử, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này đã bền chí, đồng lòng, vững vàng, kiên định, đồng thời cũng mềm mỏng, khéo léo để hoàn thành tối ưu nhiệm vụ được phân công. Hơn tám năm, là 3.000 ngày gắn bó với sương gió biên thùy…
Đại tá Trần Văn Điền, nguyên cán bộ phiên dịch của Nhóm PGCM số 11 vẫn nhớ như in những ngày đầu nhận nhiệm vụ. Năm 2001, khi đang là cán bộ trinh sát của Phòng Bảo vệ chính trị I Công an tỉnh, anh được biệt phái sang UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ phiên dịch và được biên chế vào Nhóm PGCM số 11. Trước khi nhận nhiện vụ, anh được đích thân đồng chí Phùng Thanh Kiểm – khi ấy là Phó giám đốc Công an tỉnh gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, dặn dò thêm một số nhiệm vụ của lực hượng công an khi tham gia vào nhiệm vụ PGCM.
Nhiệm vụ đầu tiên của nhóm là ra thực địa khảo sát toàn bộ vị trí các mốc giới dự kiến sẽ cắm và xác định hướng đi của đường biên giới trên bản đồ Hiệp ước so với thực địa trên biên giới. Hồi đó chưa có đường vành đai biên giới như bây giờ, chủ yếu đi theo đường tuần tra biên giới của lực lượng biên phòng, đi theo lối mòn, xác định sơ bộ vị trí mốc giới rồi mở đường xương cá đến vị trí mốc đã được xác định trên bản đồ Hiệp ước.
Công tác khảo sát này tự mỗi bên tiến hành đơn phương trong khoảng gần một năm. Đến tháng 10/2002 thì hai bên (Việt Nam – Trung Quốc) chính thức gặp gỡ trên biên giới để tiến hành nhiệm vụ PGCM. Cột mốc đầu tiên cắm trên thực địa của Nhóm PGCM số 11 là cột mốc số 1170. Khi đó cả nhóm ở trọ nhà ông Triệu Văn Quốc, trưởng thôn Pò Nhùng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Nhà ông Quốc có thể nói là to rộng nhất thôn Pò Nhùng thời đó, là một ngôi nhà lợp ngói âm dương, trình tường đất, chủ nhà nhường toàn bộ không gian ngôi nhà cho nhóm cán bộ còn gia đình thì sang nhà con trai ngay gần đó ở. Ngày đầu chuyển đến nhà ông Quốc ở, biết anh Đông (Nguyễn Văn Đông- Nhóm phó thường trực) ngủ ngáy nên anh Thắng (Vũ Thắng – Nhóm phó phụ trách hậu cần) nửa đùa nửa thật bảo: “Ông Điền ngủ với ông Đông nhá, ông Điền dễ ngủ”. Thế là Điền và Đông dọn dẹp, tìm được hai tấm ván gỗ cây sau sau mà gia chủ chuẩn bị cho hậu sự, kê vừa gian phòng nhỏ ngay dưới gần ban thờ gia đình để làm giường ngủ. Do giường nhỏ hẹp, nên hễ một người nằm ngửa thì người kia nằm nghiêng, cũng may khi đó là mùa Đông.
Cả nhóm ăn nghỉ tập trung suốt mấy tháng mùa Đông năm đó và mùa Xuân năm sau. Sau này do yêu cầu công việc, nhóm tách tổ phân giới riêng, chỉ còn tổ cắm mốc thường xuyên ở đó. Sát bên cạnh nhà, ngay sau bức tường có cửa sổ là chuồng trâu của gia đình ông Quốc, ông nuôi sáu, bảy con trâu. Vào buổi chiều tối trâu về chuồng dẫm đạp hố phân, mùi phân trâu bốc lên nồng nặc. Thế mà lâu dần thành quen. Những hôm trời không mưa, nhóm thường kê mâm dọn cơm ra sân ăn cho thoáng, ngay gần sát chuồng trâu. Nhiều lần đồng chí Phùng Văn Mục, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh cùng nhiều đoàn công tác vào kiểm tra, cũng dùng bữa với anh em tại đó…
Tiến độ nhanh hay chậm của công tác PGCM phụ thuộc vào sự nhất trí của nhóm PGCM Việt Nam và Trung Quốc, một bên không có thiện ý giải quyết thì bên kia không thể đẩy nhanh tiến độ được. Ngay ngày đầu tiên lên biên giới gặp nhau làm việc, hai bên xác định ngay được vị trí cắm mốc số 1170 và phân giới được khoảng 400 m đường biên giới. Trước thuận lợi đó, tưởng rằng chỉ trong ba năm sẽ hoàn thành kế hoạch, thế nhưng khi phân giới đến gần vị trí mốc số 1171, hai bên có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới trên thực địa nên vị trí mốc số 1171 – 1772 không xác định ngay được mà phải kéo dài tới gần hai năm mới giải quyết xong. Sau đó, Ủy ban Liên hợp PGCM Việt Nam – Trung Quốc rút kinh nghiệm, thống nhất chủ trương chuyển chiến lược cuốn chiếu từ Tây sang Đông sang chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau” để đẩy nhanh tiến độ PGCM.
“Bản thân anh thì sao, có gặp khó khăn gì trong hơn tám năm thực hiện nhiệm vụ không?”- Tôi hỏi Đại tá Trần Văn Điền.
“Cá nhân tôi khó khăn thì nhiều nhưng có hai lần “suýt chết” tôi nhớ mãi. Một lần, tôi được giao nhiệm vụ theo Đoàn kiểm tra kết quả PGCM từ mốc số 1211 đến mốc số 1214 trên đỉnh Mẫu Sơn. Khi đó là mùa Đông, ở thành phố Lạng Sơn trời lạnh chừng khoảng 3-4 độ C, nhưng trên đỉnh Mẫu Sơn chừng âm 2 độ C. Đoàn xuất phát từ sáu giờ sáng, đi bộ leo núi thẳng tới mốc số 1214 trước, hơn 10 giờ mới tới nơi. Khi đi, mỗi người được trang bị một nắm cơm, một bi đông nước và tôi mua thêm hai hộp sữa tươi vỏ giấy. Sau khi kiểm tra mốc số 1214, mọi người xuống chân núi nghỉ ăn cơm trưa, tôi định lấy cơm ra ăn nhưng vì gió to quá, tôi tính quay về mới ăn. Trên đường quay về, đoàn leo lên đỉnh núi kiểm tra vị trí mốc 1112, tôi ở dưới chân núi đợi, do ngồi nghỉ không vận động, lúc này bắt đầu thấy đói và rét run nên mới lấy cơm trong ba lô ra ăn nhưng gói cơm lạnh ngắt, nước trong bi đông cũng lạnh như băng, tôi bèn uống tạm hộp sữa tươi lúc này cũng đã lạnh ngắt. Uống xong tôi thấy người run cầm cập, bị cảm lạnh, co quắp cả chân tay, đổ gục ngay tại chỗ. May mắn lúc đó có đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng Ba Sơn đứng đợi cùng tôi, dìu tôi đến chỗ khuất gió, xoa dầu gió, nắn bóp tay chân cho tôi. Sau đó dìu tôi xuống núi trước gặp các đồng chí lái xe đang ở chân núi đốt lửa sưởi ấm đợi đoàn, tôi được sưởi ấm và đưa về lán nghỉ trước, ăn bát cháo nóng mới tỉnh lại. Một lần khác là vào khoảng giữa năm 2005, chúng tôi nhận nhiệm vụ đưa Đoàn cán bộ của Ban Biên giới Chính phủ đi kiểm tra thực địa đoạn biên giới khu vực vị trí mốc số 1195 – 1196. Khi đi, do trời nắng nên đoàn đi muộn, sau khi đoàn đến thực địa mốc số 1195 – 1196 tiến hành đo đạc kiểm tra xác định địa hình địa vật gần xong thì mây đen ùn ùn kéo đến, giông tố nổi lên, sấm chớp đì đùng, cả đoàn vội vàng thu dọn máy móc, lên xe dời thực địa, xe tôi đi đầu có đồng chí Đông – Nhóm phó thường trực, đồng chí Hưng, đồng chí Cao – cán bộ kỹ thuật. Mọi người giục đồng chí lái xe cố gắng đi nhanh để tránh mưa đường trơn nhưng không kịp, đi được một đoạn, mưa bắt đầu trút xuống xối xả, do đường mới san gạt và lại đi ngược dốc, nước mưa theo đường chảy xuống, bánh xe trơn trượt quay tít không thể đi được, mọi người đều xuống đẩy xe lên dốc. Sau khi đẩy xe qua dốc đến suối Bản Pèng thì gặp nước lũ từ dãy núi Mẫu Sơn dồn xuống, cuồn cuộn chảy về, xe ô tô không qua được. Sẵn đầu tóc quần áo đã bị bẩn lấm lem bùn đất, chúng tôi quyết định cởi giầy và quần áo, bơi qua suối để về tắm giặt. Chúng tôi tự phân công nhiệm vụ: đồng chí Đông tự mang đồ của mình; đồng chí Hưng đảm bảo mang chiếc máy đo đạc GPS được bọc ni lông cẩn thận, đồng chí Cao mang ba bộ quần áo; còn tôi xách ba đôi giầy. Lần lượt ba người bơi sang trước, tôi bơi sau cùng, quan sát thấy họ bơi vượt qua nước lũ đơn giản nhẹ nhàng, tôi liền buộc ba đôi giày lại từng đôi với nhau và cứ thế cầm ở tay trái, chỉ bơi được một tay, khi xuống nước, sáu chiếc giầy ngấm nước nặng chĩu, kéo tôi chìm xuống xuôi theo dòng nước lũ mà tôi không hề biết, chỉ thấy đuối sức dần dù dòng nước lũ chảy không quá xiết. Thế là tôi thả mình trôi theo dòng nước, định bụng nghỉ một chút cho đỡ mệt rồi bơi tiếp, không ngờ tôi trôi xa tới hơn trăm mét, may mắn gặp một rặng cây sà xuống mặt nước, tôi vội túm lấy và dừng lại được. Ở bờ bên kia thấy tôi không bơi vào bờ được, mọi người kêu gào hoảng hốt. Đồng chí Đông và đồng chí Hưng, Cao qua đến bờ bên này, thấy bên kia kêu gào, quay lại nhìn thì không thấy tôi đâu, hoảng hồn tìm gọi mãi mới thấy tôi mắc kẹt trong bụi cây, tìm cách mở lối kéo tôi lên bờ. Chúng tôi đi bộ gần một tiếng thì trời tối, gặp xe của anh Vũ Thắng – Phó nhóm phụ trách hậu cần mới từ thành phố Lạng Sơn vào, nhận được tin vội đi đón. Cả đoàn kiểm tra tối hôm đó vẫn mắc kẹt lại bên kia suối do nước lũ, một xe ô tô cố vượt lũ đi về nhưng bị ngập nước chết máy, nước cuốn trôi phải dùng dây thừng neo buộc lại vào gốc cây bên bờ suối, chờ nước rút kéo về. Sau sự cố này, chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc, là cần có sự chỉ đạo và nguyên tắc thống nhất trong mọi hành động, để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại về sức người, sức của”.
Ngoài những lúc làm việc phải tuân thủ theo nguyên tắc, quy chế làm việc, giờ nghỉ, anh em của hai nhóm PGCM hai quốc gia lại chia sẻ với nhau điếu thuốc, củ khoai nướng. Ở những vị trí xa nơi đóng quân, phải mang theo đồ ăn trưa tại thực địa, họ bỏ ra ăn cùng nhau. Những người đồng chí Trung Quốc có bánh bao, màn thầu, lại thích ăn món xôi lạc của các bạn Việt Nam. Sáu tháng một lần, các nhóm PGCM tổ chức sơ kết và luân phiên ở mỗi bên do hai bên đăng cai địa điểm.
Cho tới tận bây giờ, Đại tá Trần Văn Điền mới thực sự lấy làm tiếc vì đã không còn giữ được kỷ vật gì của những năm công tác đó. Cái bi đông đựng nước anh thường xuyên mang bên mình, cây gậy chống bằng trúc hay một loài tre nhỏ, tự tay anh đẵn trên đỉnh núi Mẫu Sơn, thân thẳng vàng óng và cứng như thép, có lẽ nó có tuổi đời cả trăm năm ấy chứ, thế mà rồi để thất lạc mất.
“Điều làm tôi ghi nhớ nhất vẫn là lời dặn dò của đồng chí Phó giám đốc Công an tỉnh Phùng Thanh Kiểm trong lần gặp riêng tôi trước khi tôi nhận nhiệm vụ. Đồng chí Kiểm khi đó nói: “Chúng ta phải thống nhất về nhận thức rằng đây là một cơ hội, một thời cơ lịch sử, cần sớm kết thúc công tác PGCM với anh bạn lớn càng nhanh càng tốt”. Đến nay ngẫm lại, tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng”.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/647485-bien-gioi-chu-quyen-lanh-tho-thieng-lieng.html