Với mong muốn có một thiết bị thoát hiểm an toàn trong các trường hợp cháy nổ xảy ra có giá thành thấp mà không cần sử dụng đến điện, có thể trang bị được cho gia đình và cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhóm học sinh gồm em Hoàng Trung Hiếu, lớp 10 A1 và em Vũ Khôi Nguyên lớp 10 A4, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đã nghiên cứu và chế tạo thành công “Hệ thống thoát hiểm an toàn”. Dự án do cô Nông Thúy Kiều, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ hướng dẫn.
Nhóm nghiên cứu phác thảo “Hệ thống thoát hiểm an toàn” trên giấy
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, em Hoàng Trung Hiếu cho biết: Khi các vụ cháy nổ xảy ra, phần lớn các nguồn điện sẽ bị chập hoặc bắt buộc phải ngắt nguồn điện để cứu hỏa, do vậy, tất cả các thiết bị điện đều bị vô hiệu hóa, nếu ở các đô thị lớn hoặc nhà cao tầng sẽ khó để thoát hiểm bằng thang máy, thang cuốn hoặc các thiết bị thoát hiểm sử dụng điện. Từ thực trạng đó, chúng em nghiên cứu và chế tạo thành công “Hệ thống thoát hiểm an toàn” hoạt động trên nguyên lý cơ học, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi di chuyển từ tầng cao xuống mặt đất và ngược lại, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi cháy nổ xảy ra.
Dự án được nhóm nghiên cứu dựa trên nguyên lý hoạt động của pa lăng xích (một hệ thống gồm 2 hoặc nhiều ròng rọc thường được sử dụng để nâng các vật nặng) và hệ thống bánh răng. Sau đó, các em đã thiết kế lồng bảo vệ được chế tạo bằng các thanh sắt tạo thành khung bao quanh, đảm bảo bền, chắc chắn bảo vệ an toàn người đứng bên trong lồng, tránh được nguy cơ bị va đập bởi vật cản bên ngoài. Lồng bảo vệ được lắp 4 bánh xe giúp cho việc di chuyển thiết bị một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Trong trường hợp cháy nổ xảy ra, tại các toà nhà cao tầng, người thoát hiểm có thể bước vào lồng an toàn và tự kéo lồng lên xuống. Vì pa lăng xích kéo tay sử dụng phương pháp truyền bánh răng nên khi bánh răng chuyển động, mô-men quay được khuếch đại giúp tăng lực kéo lên nhiều lần so với lực tác động ban đầu nên người thoát hiểm có thể dễ dàng kéo, thả. Để lồng an toàn, không bị rơi tự do, trong "Hệ thống thoát hiểm an toàn" có con quay được gắn với bánh răng, để khi vòng xích tay ngừng kéo, phanh sẽ được khôi phục ngay lập tức để có thể dừng hệ thống thoát hiểm ở bất kỳ vị trí nào.
Cô Nông Thuý Kiều, giáo viên hướng dẫn cho biết: Chúng tôi gặp khó khăn trong việc thi công, bởi các thiết bị chuyên dùng để tiến hành lắp ráp phải nhờ đến sự giúp đỡ của thợ cơ khí. Ban đầu các em định dùng ròng rọc để kéo lồng bảo vệ nhưng do trọng lượng quá lớn, không thể kéo được. Qua tham khảo tài liệu và tham khảo ý kiến tư vấn từ phía giáo viên hướng dẫn, các em đã quyết định dùng pa lăng xích để thay thế ròng rọc và đã nhận được kết quả ngoài mong đợi. Hiện tại, chúng tôi chưa cho ra thị trường "Hệ thống thoát hiểm an toàn" nhưng trong thời gian gần nhất sẽ cố gắng hoàn thiện sản phẩm với những vật liệu thân thiện với môi trường, hứa hẹn để có giá thành hợp lý mà bất kỳ gia đình nào cũng có thể lắp đặt.
Được biết, dự án đã được tư vấn, hướng dẫn cũng như xác nhận độ an toàn từ phía Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh. Được biết thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ kết nối thêm hệ thống điện tử để điều khiển từ xa cho hệ thống; lắp đặt thêm bộ lưu điện để chuyển sang hoạt động bằng điện nhằm cải thiện về tốc độ thoát hiểm và giải phóng sức kéo của người thoát hiểm; tìm hiểu thêm một số vật liệu chống cháy hiện đại, trọng lượng nhẹ để việc sử dụng cứu hộ, cứu nạn được nhiều người và đồ vật hơn trong một lượt. Nhóm cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và lắp đặt thêm một số thiết bị thông minh giúp xác định được tình trạng của người trong lồng bảo vệ (nhịp tim, nhiệt độ cơ thể...) kết nối thông báo đến điện thoại người thân...
“Hệ thống thoát hiểm an toàn” là một dự án có ý nghĩa thiết thực và có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023 - 2024, dự án đã được Ban giám khảo đánh giá cao và đạt giải nhì tại cuộc thi.
Theo baolangson.vn