Thời gian qua, Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh và hệ thống các chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức có nhu cầu.
Cán bộ VPĐKĐĐ tỉnh tra cứu thông tin liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ cho tổ chức
Thời gian qua, VPĐKĐĐ tỉnh và chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố (chi nhánh) đã tăng cường tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, trong đó có TTHC liên quan đến cấp GCNQSDĐ. Theo số liệu thống kê, VPĐKĐĐ tỉnh hiện có 32 TTHC lĩnh vực đăng ký, cấp GCNQSDĐ và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền giải quyết. Toàn bộ 100% các TTHC đều được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Cụ thể, từ năm 2019, VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh đã sử dụng hệ thống thông tin dịch vụ công điện tử để giải quyết hồ sơ TTHC về cấp GCNQSDĐ. Nếu như trước đây, khi có nhu cầu đề nghị cấp GCNQSDĐ người dân phải đi lại nhiều lần để hỏi và nộp hồ sơ trực tiếp bằng bản giấy thì giờ ngồi tại nhà người dân cũng có thể dễ dàng kê khai thông tin theo mẫu trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh.
Cùng với đó, từ tháng 1/2024, Sở TN&MT tiếp tục đưa vào vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính tại huyện Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn (phần mềm VNPT-iLIS) có tích hợp với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Theo đó, thay vì phải mất vài giờ, thậm chí cả buổi tìm kiếm, tra cứu các tài liệu bản giấy để xác minh thông tin hồ sơ như trước đây thì hiện nay cán bộ chuyên môn có thể khai thác thông tin, dữ liệu đất đai trên hệ thống phần mềm để giải quyết hồ sơ TTHC về cấp GCNQSDĐ. Sau khi hoàn thành trả kết quả thì các thông tin liên quan sẽ tự động cập nhật, chỉnh lý vào CSDL địa chính. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng tích cực thực hiện số hoá các hồ sơ TTHC đã giải quyết, trả kết quả từ năm 2018 đến nay. Từ đầu năm 2024 đến nay, sở đã số hóa, tích hợp được trên 74.500 hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở lên kho dữ liệu số hoá của tỉnh.
Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các phần mềm CSDL, thời gian giải quyết các hồ sơ TTHC liên quan đến cấp GCNQSDĐ cho người dân được rút ngắn từ 10 đến 30%; khối lượng công việc của các bộ phận chuyên môn giảm bớt từ 20 đến 30% so với trước đây.
Bà Dương Thị Hằng, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cao Lộc cho biết: Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC, thay vì cán bộ chuyên môn phải tiếp nhận, trình giải quyết bằng bản giấy thì chỉ cần vài thao tác nhanh gọn trên máy tính đã có thể thực hiện luân chuyển hồ sơ. Cùng đó, chuyên viên của chi nhánh cũng thuận tiện trong khai thác CSDL địa chính trên hệ thống phần mềm để xác minh thông tin giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, người dân cũng có thể chủ động kiểm tra kết quả giải quyết TTHC bằng mã số hồ sơ được cấp. Từ đầu năm 2024 đến nay, chi nhánh đã phối hợp cấp mới, cấp đổi, cấp biến động được trên 500 GCNQSDĐ, tăng 235 GCN so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng như huyện Cao Lộc, nhờ khai thác hiệu quả CSDL địa chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, việc giải quyết TTHC liên quan đến cấp GCNQSDĐ trên địa bàn thành phố cũng đạt được kết quả tích cực. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố thực hiện cấp trên 1.200 GCN, tăng 35 GCN so với cùng kỳ năm 2023.
Gia đình ông Phạm Văn Thành, khối Cửa Bắc, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nhiều năm nay trồng cây trên gần 400 m2 diện tích đất của gia đình nhưng chưa có GCNQSDĐ. Được cán bộ phường tuyên truyền, cuối tháng 1/2024, ông đã làm hồ sơ kê khai để được cấp GCN theo quy định. Ông Thành cho biết: Trước đây, mỗi khi phải thực hiện thủ tục về đất đai tôi đều phải sắp xếp thời gian, đi lại nhiều lần để hỏi rất vất vả. Nhưng nay thủ tục đề nghị cấp GCN được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nên tôi dễ dàng kê khai thông tin theo mẫu và gửi hồ sơ trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền. Nhờ đó giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đầu tháng 3/2024, tôi nhận được GCNQSDĐ đối với diện tích đất trên, nhờ đó gia đình yên tâm sản xuất.
Không chỉ 2 huyện, thành phố trên, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả CSDL đất đai, việc giải quyết, trả kết quả các TTHC nói chung, trong đó có THHC liên quan đến công tác cấp GCN được nhanh chóng và chính xác. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh đã phối hợp giải quyết và cấp 3.859 GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, đạt 36,7% kế hoạch, tăng 50 GCN so với cùng kỳ năm 2023; cấp 118 GCNQSDĐ cho tổ chức, đạt 62,1% kế hoạch, tăng 54 GCN so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Triệu Đức Minh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để đẩy nhanh giải quyết TTHC về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thời gian qua, sở đã chỉ đạo VPĐKĐĐ và các chi nhánh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các hệ thống phần mềm chuyên môn vào vận hành để phục vụ giải quyết các hồ sơ TTHC. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin; bổ sung nhân lực có chuyên môn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối liên thông với các ngành (như thuế, CSDL quốc gia về dân cư …) để giúp người dân thuận tiện trong thực hiện các TTHC liên quan đến công tác cấp GCNQSDĐ.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết các TTHC về cấp GCNQSDĐ đã góp phần giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh.
Theo baolangson.vn