Tín dụng bán lẻ đang là thị trường tiềm năng được nhiều ngân hàng xem là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển trong năm. Để giữ vững được thị phần, gia tăng lợi thế cạnh tranh phát triển thị trường bán lẻ, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, số hóa các hoạt động cho vay.
Cán bộ Agribank Đình Lập giới thiệu cho khách hàng về các dịch vụ tiện ích
Trong những năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội Chi nhánh Lạng Sơn (SHB Lạng Sơn) đã triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ số hóa các hoạt động cho vay bán lẻ. Ông Nghiêm Minh Long, Phó Giám đốc SHB Lạng Sơn cho biết: Trong hai năm gần đây, chi nhánh đã chú trọng đến việc phát triển dịch vụ bán lẻ nhằm mở rộng thị trường và tăng mối quan hệ tín dụng đối với thành phần khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh. Để triển khai hiệu quả, ngân hàng đã liên tục nâng cấp mở mới thêm các phòng giao dịch. Năm 2024, ngân hàng đã mở 2 phòng giao dịch tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình và thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Ngoài ra, chi nhánh cũng đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm, dịch vụ với nhiều sản phẩm bán lẻ như: thu hộ tiền nước qua tài khoản; gói tín dụng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi trong hoạt động kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, tiêu dùng; giảm 2% lãi suất cho khoản vay thấu chi không tài sản bảo đảm phục vụ mục đích bổ sung vốn lưu động; miễn, giảm các phí dịch vụ; tặng tài khoản số đẹp… Đến nay, SHB Lạng Sơn có trên 20.000 khách hàng vay với tổng dư nợ trên 3.500 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) cũng đang tập trung phát triển nhiều dịch vụ tiện ích, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Với mục tiêu hướng đến ngân hàng bán lẻ, ngân hàng hiện đại, thời gian qua, Agribank Lạng Sơn đã tập trung đa dạng hóa và đơn giản hóa hơn nữa thủ tục vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân. Với các gói vay ưu đãi giảm lãi suất từ 1% - 2%/năm đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; cho vay đối với khách hàng đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với Chương trình OCOP, áp dụng lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 2%/năm… Đồng thời, nhằm thúc đẩy cho vay thấu chi tại thị trường nông thôn, ngân hàng đã chủ động phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương để tuyên truyền, quảng bá dịch vụ. Đến nay, chi nhánh đã phát hành được trên 12.000 thẻ thấu chi nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, nhằm đem đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng, chi nhánh đã triển khai hiệu quả phương thức định danh eKYC bằng công nghệ sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) cho phép khách hàng đăng ký thông tin khách hàng trực tuyến, đăng ký mở tài khoản trực tuyến, sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking thay vì phải ra quầy giao dịch, đến nay, đã có 20.000 khách hàng mở tài khoản trực tuyến thành công.
Người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn rút tiền bằng mã QR Code
Không chỉ 2 ngân hàng trên, hiện nay, 14 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hầu hết đang ưu tiên phát triển dịch vụ bán lẻ. Bên cạnh hoạt động cốt lõi là tiền gửi và tín dụng, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm cũng được các ngân hàng nghiên cứu và đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mại để thu hút khách hàng như: đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tính tiện lợi về dịch vụ tài khoản cho khách hàng; cung cấp dịch vụ thẻ cá nhân với nhiều tính năng mới… Đồng thời, các ngân hàng đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, đến nay, tỷ lệ người dân trưởng thành trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt trên 70%. Từ đầu năm đến nay, doanh số thanh toán qua máy POS (máy chấp nhận thẻ) đạt trên 147 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023...
Chị Hoàng Thị Diện, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào nghề trồng hoa nên nhu cầu về vốn là rất quan trọng, cứ đến vụ hoa chưa có tiền gia đình tôi phải vay mượn người thân, hàng xóm, đôi khi phải vay ngoài với lãi suất cao. Vừa qua, biết đến chương trình thẻ thấu chi của ngân hàng Agribank nên tôi đã đăng ký thẻ với hạn mức vay 50 triệu đồng để phục vụ sản xuất như: mua giống cây, phân bón trong giai đoạn khó khăn cũng như thanh toán các khoản chi phí thiết yếu của gia đình… Tôi thấy rất thuận lợi vì với nhà nông như tôi không phải lúc nào cũng sẵn có một khoản tiền lớn khi cần, hơn nữa lãi suất cho vay thấu chi cũng rất ưu đãi nên tôi rất yên tâm phát triển sản xuất”.
Có thể thấy, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng các chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với đa dạng đối tượng khách hàng, các sản phẩm dịch vụ đặc thù phù hợp với thế mạnh của ngân hàng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng điện tử, thúc đẩy hệ sinh thái tài chính phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/tap-trung-phat-trien-dich-vu-ngan-hang-ban-le-5008486.html