LSTV - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng có rất nhiều người dân đã “mắc bẫy”, bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn cập nhật, đồng bộ, kích hoạt định danh điện tử trên ứng dụng VneID. Từ đầu năm 2024 đến này, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra với hơn 40 trường hợp nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên
Nhận diện thủ đoạn của các đối tượng
Vào hồi 14h00', ngày 18/5/2024, anh N.Q.H sinh năm 1982, trú tại trị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ và tự xưng là cán bộ Công an huyện Văn Quan thông báo tài khoản định danh điện tử của anh bị sai sót, yêu cầu anh tải app dịch vụ công rồi hướng dẫn kích hoạt. Do mất cảnh giác, không nghi ngờ, anh H đã tải app dịch vụ công theo đường link do các đối tượng gửi đến và ấn kích hoạt theo hướng dẫn. Đến khoảng 15h00' cùng ngày, anh H kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản của mình đã bị người khác thực hiện 03 giao dịch chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng khác với tổng số tiền hơn 128 triệu đồng.
Đây là thủ đoạn không mới, đã được các đơn vị chức năng, trực tiếp là Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tuy nhiên, lợi dụng việc Bộ Công an đang dần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp, đồng bộ được nhiều loại giấy tờ tùy thân, các đối tượng giả mạo lực lượng công an gọi điện thoại cho người dân yêu cầu cài đặt, hướng dẫn cập nhật thông tin, giấy tờ trên ứng dụng VNeiD để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi người dân trả lời bận chưa ra được thì đối tượng sẽ hướng dẫn đồng bộ online theo hướng cài đặt phần mềm giả mạo VNeID (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật) bằng hình thức gửi link cài đặt phần mềm. Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VneID giả mạo, ứng dụng này sẽ được cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP...các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát điện thoại và chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Hình ảnh nhận diện trang Web giả mạo
Hình ảnh giao diện ứng dụng VneID giả mạo
Người dân cần làm gì để phòng ngừa?
Để nâng cao cảnh giác, không bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài đặt VNeID từ nguồn bên ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định; người dân chỉ nên cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Hiện nay, cơ quan công an chỉ có một ứng dụng duy nhất để định danh và xác thực điện tử là “VNeID", ngoài ra không còn ứng dụng nào khác. Việc đăng ký định danh điện tử mức độ 2 phải do công dân trực tiếp đến cơ quan công an thực hiện các thủ tục, do phải chụp ảnh, quét vân tay và không thể làm thay người khác. Do đó, mọi hành vi gọi điện thoại, nhắn tin tự xưng là công an yêu cầu người dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VNeID, khai báo thông tin đăng ký định danh điện tử đều là hành vi giả mạo, lừa đảo...
Hiện nay, ngoài việc giả danh công an hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng còn sử dụng phương thức thủ đoạn lừa đảo là giả danh các đơn vị chức năng, như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thuế... để gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nhiều lĩnh vực khác. Người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước loại tội phạm này.
Hoàng Thơ (Công an tỉnh)