Chỉnh lý hồ sơ địa chính sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính Còn nhiều khó khăn

Thứ 3, 11.06.2024 | 09:57:27
404 lượt xem

Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tính đến nay, khối lượng hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có biến động thông tin cần thực hiện chỉnh lý còn rất lớn. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Người dân nhận GCNQSDĐ sau khi đã chỉnh lý tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Văn Quan

Thực hiện Nghị quyết số 818 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn, số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh được sắp xếp từ 226 đơn vị thành 200 đơn vị. Đồng thời, toàn tỉnh có 1.199 thôn, khối phố thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết số 64 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đặt tên thôn, tổ dân phố và Nghị quyết số 57 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, giải thể, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Số lượng hồ sơ, GCNQSDĐ cần chỉnh lý lớn

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh đã làm biến động thông tin đất đai của người dân. Để chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân sát với thực tế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 479 ngày 6/2/2021 về thực hiện dự án chỉnh lý hồ sơ địa chính, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình và Bình Gia. Đến nay, sở đã thực hiện chỉnh lý được 27.730 GCNQSDĐ; 862 mảnh bản đồ địa chính; 190 quyển sổ mục kê; 32 quyển sổ cấp GCNQSDĐ; 96 quyển sổ địa chính, đạt 100% tổng số hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ cần chỉnh lý tại địa bàn 3 huyện trên.

Ông Tạ Quốc Vinh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh cho biết: Từ năm 2022 đến nay, VPĐKĐĐ tỉnh và chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện Văn Quan, Văn Lãng đã phối hợp với phòng TN&MT, UBND các xã, thị trấn tổ chức chỉnh lý tập trung được trên 31.000 GCNQSDĐ đã cấp cho người dân do biến động thông tin sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân cần chỉnh lý vẫn còn rất lớn.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện còn 238.800 GCNQSDĐ đã cấp cho người dân; 6.514 mảnh bản đồ địa chính; 1.137 quyển sổ sách hồ sơ địa chính chưa được thực hiện chỉnh lý biến động sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố.

Việc hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân chưa được chỉnh lý kịp thời sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính đã gây ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên đề khác liên quan đến địa giới hành chính. Cùng đó, việc hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân có biến động thông tin đất đai sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố nhưng chưa được chỉnh lý đồng bộ đã gây khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân. Hiện nay tại VPĐKĐĐ và chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố, cán bộ chuyên môn đều phải thực hiện đồng thời việc giải quyết TTHC với việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân. Điều này gây mất nhiều thời gian và nhân lực thực hiện.

Ngoài ra, khi có nhu cầu thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng người dân phải mất thời gian đi lại làm thủ tục chỉnh lý biến động thông tin trên GCNQSDĐ. Ông Nông Mông Tuấn, thôn Phú Nhuận, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Do cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nên tháng 5/2024 gia đình làm hồ sơ thế chấp vay ngân hàng để có vốn mở rộng nhà xưởng và nhập hàng hoá. Tuy nhiên, sau khi đến ngân hàng làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ thế chấp vay vốn, tôi được cán bộ ngân hàng cho biết hồ sơ không được duyệt do thông tin địa chỉ trên GCNQSDĐ chưa được chỉnh lý sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố. Do đó, tôi phải đến chi nhánh VPĐKĐĐ huyện để yêu cầu thực hiện chỉnh lý biến động thông tin trên GCNQSDĐ đã cấp cho gia đình. Điều này khiến tôi mất thời gian đi lại, chậm vốn để đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của gia đình.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện còn 238.800 GCNQSDĐ đã cấp cho người dân; 6.514 mảnh bản đồ địa chính; 1.137 quyển sổ sách hồ sơ địa chính chưa được thực hiện chỉnh lý biến động sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố.

Thiếu kinh phí, nhân lực và thiết bị máy móc

Toàn tỉnh hiện có 1 VPĐKĐĐ tỉnh và 11 chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố. Đối với chi nhánh có nhiều nhân lực hiện đang có từ 7 đến 9 người; chi nhánh có ít nhân lực là 5 người (bao gồm cả cán bộ chuyên môn và lãnh đạo quản lý). Trong khi đó, trung bình mỗi năm, hệ thống VPĐKĐĐ phải tiếp nhận, giải quyết trên 35.000 hồ sơ TTHC liên quan. Cùng với số lượng hồ sơ TTHC ngày càng lớn thì các hồ sơ cần giải quyết ngày càng phức tạp. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ của VPĐKĐĐ và các chi nhánh, trong đó có nội dung chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Chu Đức Thuận, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Văn Lãng cho biết: Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố, toàn huyện có trên 200 mảnh bản đồ địa chính, gần 100 quyển sổ sách hồ sơ địa chính và trên 32.500 GCNQSDĐ đã cấp cho người dân cần chỉnh lý. Trong khi đó chi nhánh chỉ có 3 chuyên viên, 1 lãnh đạo quản lý; thiết bị máy móc in ấn chưa đảm bảo... Do đó, việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ tại chi nhánh chỉ được thực hiện đơn lẻ, đồng thời khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện TTHC liên quan. Với số lượng hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ cần chỉnh lý còn nhiều, từ đầu năm 2024 đến nay, chi nhánh đã được VPĐKĐĐ tỉnh hỗ trợ thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ; điều động 1 cán bộ tăng cường cho chi nhánh (từ tháng 5/2024). Đến nay, đơn vị đã chỉnh lý được gần 5.900 GCNQSDĐ có biến động về thông tin sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn. Toàn huyện hiện còn trên 26.600 GCNQSDĐ cần chỉnh lý.

Không riêng tại huyện Văn Lãng, hiện nay chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố đều thiếu nhân lực làm việc. Song song với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chi nhánh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Chính điều này gây ra áp lực lớn đối với các chi nhánh VPĐKĐĐ, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian giải quyết các hồ sơ TTHC về đất đai.

Bên cạnh đó, từ năm 2022, Sở TN&MT đã có công văn gửi các sở liên quan về việc thẩm định khả năng cân đối nguồn ngân sách của tỉnh (khoảng 62 tỷ đồng) đối với nhiệm vụ chỉnh lý hồ sơ địa chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên do kinh phí thực hiện lớn nên đến nay UBND tỉnh chưa bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, do công tác quản lý, lưu trữ tài liệu, hồ sơ địa chính tại các cấp còn hạn chế; hồ sơ chưa được lưu trữ đầy đủ, quá trình quản lý hồ sơ có trường hợp thất lạc… Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện  chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉnh lý biến động về hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân do ảnh hưởng bởi việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh, tháng 2/2024, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT (báo cáo số 96/BC-UBND) về tiến độ và đề xuất nhu cầu hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên.

Ông Triệu Đức Minh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thời gian qua, sở đã chỉ đạo VPĐKĐĐ tỉnh và chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, sở điều động cán bộ tăng cường hỗ trợ các chi nhánh thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính. Từ năm 2022 đến nay, sở đã thực hiện điều động, tăng cường 7 cán bộ chuyên môn cho các chi nhánh còn tồn đọng nhiều hồ sơ, GCNQSDĐ cần chỉnh lý. Tuy nhiên, đến nay số lượng hồ sơ, GCNQSDĐ cần chỉnh lý vẫn còn nhiều. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh thực hiện thường xuyên, liên tục công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai. Đồng thời, sở tiếp tục tham mưu, trình UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách triển khai thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Việc chỉnh lý biến động đất đai nhằm hoàn chỉnh bản đồ, hồ sơ địa chính sát với thực tế. Hy vọng thời gian tới, các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính, GCNQSDĐ đã cấp cho người dân sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó, vừa góp phần đồng bộ hóa hồ sơ địa chính vừa tăng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-ly-ho-so-dia-chinh-sau-sap-xep-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-con-nhieu-kho-khan-5011270.html

  • Từ khóa